Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều bất cập cần sớm được giải quyết

Trần Quý

Thứ ba, 19/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành, với tổng công suất thiết kế trên 926.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý mới đạt khoảng 13%.

Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý cứ đổ thẳng xuống sông Tô Lịch (Hà Nội). Ảnh: TQ

Tại TP Hà Nội hiện có 6 hệ thống nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động, công suất xử lý đạt từ 2.300-200.000m3/ngày đêm, chỉ đáp ứng xử lý được 22% lượng nước thải của thành phố. 78% nước thải đô thị ô nhiễm vẫn còn xả thẳng ra môi trường. Hiện tại, các con sông trên địa bàn TP Hà Nội như sông Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… đều bị ô nhiễm nặng.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, lượng nước thải được xử lý hằng ngày (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) vào khoảng 370.624m3 trên tổng số lượng nước thải phát sinh ước tính trên 1.579.000m3, đạt 21,2%. Do vậy, mạng lưới sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; kênh Hy Vọng; rạch Xuyên Tâm… và những con rạch nhỏ len lỏi trong khu dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý thấp được các nhà quản lý chỉ ra là do các đô thị hiện nay đang phát triển rất nhanh, trong khi đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh, thành phố quy hoạch hạ tầng không đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của đô thị.

Cùng với đó là việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, thiếu cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp, dẫn tới tình trạng nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý vẫn ngang nhiên xả ra môi trường, đe dọa đến môi trường sinh thái và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.

Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý cứ đổ thẳng xuống sông Kim Ngưu (Hà Nội). Ảnh: TQ

Hiện nay, ở Việt Nam, quá trình đô thị hoá nhanh đòi hỏi vấn đề thu gom xử lý mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam, đa số là hệ thống xử lý nước thải chung, mà hiện nay theo quy định cần hệ thống riêng, tách 2 hệ thống song hành.

Bên cạnh đó, việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, trong khi đường ống được làm từ lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến nhu cầu không đủ, do vậy, việc nâng cấp, mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không có kinh phí, chỉ có từ nguồn ngân sách Nhà nước, ODA, khó khăn trong quá trình cấp vốn. Hơn nữa, việc quản lý cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các cơ quan quản lý cần phải có sự đồng bộ.

Được biết, Bộ Xây dựng đang bắt đầu triển khai các chính sách như sửa đổi các công trình thoát nước bên ngoài, các quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, đầu tư triển khai lĩnh vực thoát nước. Chủ trương đề xuất sửa đổi các nghị định về hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, cây xanh, trình Chính phủ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Đề xuất Luật Cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua dự kiến vào năm 2023-2024. Bên cạnh đó, làm sao nâng cao được chính sách người dân sẽ phải trả tiền để đảm bảo trách nhiệm của người dân đối với bảo vệ môi trường...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm