Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 17/08/2020 - 19:30
(Thanh tra) - “Nhiều người lầm tưởng Việt Nam thừa nước ngọt nhưng thực tế chúng ta là quốc gia thiếu nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói và lưu ý, “nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập ở Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Hải Ninh
Ngày 17/8, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị Giải trình “an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”.
63% nguồn nước mặt của Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ
Theo báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, TP của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, tuy Việt Nam có tới gần 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km, nhưng nguồn nước lại phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế.
Con số Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra thì nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông chiếm tới 63%, trong đó, sông Mê Công có 90,1%, sông Hồng 38,5%...
“Có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói và lưu ý, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như về tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, thuỷ sản…
Thêm vào đó, việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. “Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước. Thực tế, tình trạng xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần nguyên nhân do thiếu nước thượng nguồn”, ông Hiển khái quát.
Theo số liệu của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế, giai đoạn từ nay đến năm 2040 trên lưu vực sông Mê Công, trong khi Việt Nam định hướng duy trì hoặc giảm diện tích tưới, thì diện tích tưới tại các quốc gia thượng nguồn sẽ tăng từ 2-3 lần.
“Nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội Sông Mê Công quốc tế năm 2017 công bố khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040”, báo cáo Bộ NN&PTNT nêu.
Không chia sẻ thông tin, đại hồng thủy đến làm thế nào?
“Vậy hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?”, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại hỏi Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Giải trình, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn: “Riêng công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước thì chưa được”. Theo ông Cường, hoạt động hợp tác Mê Công - Lan Thương, chúng ta mới nắm được tệp số liệu cũng chưa đầy đủ từ Myanmar trở xuống, chưa nói đến đồng bằng sông Hồng.
“Nếu không có tệp số liệu này, không có chia sẻ thì đại hồng thủy đến làm thế nào? Không phải là chuyện đơn giản! Ở góc độ chuyên môn ngành Nông nghiệp, chúng tôi thấy, phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, phải có giải pháp ngoại giao Việt Nam để làm sao có được thông tin theo đúng yêu cầu của quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng NN&PTNT dẫn chứng, trong đợt hạn vừa rồi, chúng ta rất nhiều lần đề nghị nước thượng nguồn xả nước nhưng không được. “Tháng 1 hạn nhất cũng không được, dòng chảy về thậm chí giảm 30% so với đợt hạn nhất năm 2016”, ông Cường nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, thoả thuận hợp tác sông Mê Công giữa các nước “hết sức lỏng lẻo và hoàn toàn tự nguyện”, chủ yếu mang tính chất tham vấn, tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mỗi nước. “Ủy hội Sông Mê Công thì hai nước quan trọng nhất là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà cho hay, chúng ta đã xác định là tận dụng những thỏa thuận đã có và duy trì nó. “Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục kiên trì, có lộ trình, làm sao để các nước hướng tới có sáng kiến và có thỏa thuận chung mang tính pháp lý cao hơn”, Bộ trưởng TN&MT cho hay.
4 “tại chỗ” để chủ động nguồn nước
Theo ông Hiển, phải đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá nước sản xuất và sinh hoạt; nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập tránh chồng chéo.
“Nghiêm cấm việc san lấp ao, hồ, sông, suối trái quy hoạch. Có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy, làm hư hỏng, lấn chiếm khu vực hồ đập, đê điều, phá hoại môi trường tự nhiên”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Để chủ động nguồn nước không bị phụ thuộc nước ngoài, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ là “sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ”.
Ông Hiển lưu ý, phải tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông, phối hợp điều hòa nguồn nước hợp lý, nhất là lưu vực sông Mê Công và sông Hồng.
“Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng đề nghị, xây dựng kịch bản ứng phó xâm nhập mặn với phương châm chặn nước biển dâng, gắn với lấn biển không lùi, giữ cho được hình thể của đất nước, các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, đặc quyền kinh tế, quyền tài phán của Việt Nam. “Vấn đề lấn biển chống sạt lở bờ biển, ngăn nước biển dâng cần phải được tính toán và tiến hành ngay từ bây giờ”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.
“Việt Nam là quốc gia thiếu nước ngọt”
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt hơn 3.800m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên nước quốc tế.
“Nguy cơ này càng trở nên trầm trọng do biến đổi khí hậu, tăng dân số và sự phát triển nóng của tăng trưởng kinh tế”, ông Hiển nêu rõ.
Một vấn đề nữa, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng đang làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, gây ra thiệt hại rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng tỉnh Bến Tre, nơi có 100% các xã bị xâm ngập mặn năm 2020, dẫn đến tổng thiệt hại lên tới 1.600 tỉ đồng. “Cả tỉnh thiếu nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt trầm trọng. Người dân đã phải mua nước ngọt từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng/m3 nước ngọt. Nông dân thì khó khăn, điêu đứng; doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng”, ông Hiển nói.
Một kịch bản xấu có thể xảy ra. Theo đó, đến năm 2050, nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21-25cm và có khả năng đến năm 2100, từ 44-73cm. Đó là chưa kể nước dâng do bão, do thuỷ triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức.
“10% đồng bằng sông Hồng, 15% đồng bằng sông Cửu Long, 14% TP Hồ Chí Minh và từ 20 đến 30% diện tích đất của Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này có thể ngập nước, ảnh hưởng đến sinh kế của 20 triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp”, ông Hiển cho hay.
Ngăn chặn sạt lở: “Giải pháp mềm thôi thì không được!”
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trương Minh Hoàng nêu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến rất phức tạp. Bộ trưởng NN&PTNT đã nêu 7 giải pháp công trình, 9 giải pháp phi công trình, vậy khi nào thực hiện xong để khắc phục tình trạng này?
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, trong nguồn vốn hạn hẹp chúng ta thực đồng bộ các giải pháp. “Khắc phục sạt lở, giải pháp mềm thôi thì không được, phải giải pháp cứng kết hợp với mềm”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, 2 năm vừa qua, đã chi 4.700 tỷ đồng để giải quyết được 1 số đoạn, tới đây tập trung thêm khoảng 6.700 tỷ đồng để ứng phó một số đoạn xung yếu sạt lở nguy hiểm nữa.
“Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân”, Bộ trưởng Cường nói thêm.
Hiện trên cả nước có khoảng 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710km: Bắc Bộ có 471 điểm tổng chiều dài 413 km; Trung Bộ và Tây Nguyên có 905 điểm tổng chiều dài 1.348km; Nam Bộ có 679 điểm, tổng chiều dài 949km.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Thái Hải
19:48 13/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền