Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 08/09/2020 - 06:37
(Thanh tra)- Tây Nguyên đang sở hữu những cánh rừng phòng hộ (RPH) đầu nguồn bạt ngàn, những cây cổ thụ hàng trăm tuổi; được ví như "lá phổi xanh" cho cả vùng đồng bằng Nam Trung bộ rộng lớn. Song, tình trạng tàn phá rừng nơi đây ngày càng rầm rộ trên diện rộng, công khai với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nạn phá rừng vẫn xảy ra trắng trợn.
Nhiều cây gỗ quý ở Tây Nguyên vẫn bị khai thác trái phép. Ảnh: Ngọc Phó
Công an huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đang thụ lý 1 vụ phá rừng với quy mô lớn xảy ra tại Tiểu khu 406 và 408 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý (BQL) RPH Đăk Đoa. Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định 41 cây gỗ (tương đương cả trăm mét khối gỗ) đã bị đốn hạ và chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng đi tiêu thụ.
Mới đây, trên địa bàn huyện Kbang thuộc tỉnh này cũng xảy ra vụ phá rừng lớn tại lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku, với khối lượng gỗ bị thiệt hại hơn 100m3.
Gần đây nhất là vào giữa tháng 8/2020, tại làng Dê, xã Gào, TP Pleiku (Gia Lai) có một quần thể gỗ giáng hương (nhóm I) đã bị lâm tặc tàn sát không thương tiếc.
Hiện trường để lại là nhiều cây với đường kính khoảng 60-70cm mới vừa bị cưa xẻ, cành lá vẫn còn tươi. Xung quanh nhiều gốc cây bị đào rộng ra và cắt bớt rễ để dễ bề trục lên vận chuyển đi nơi khác.
Lãnh đạo UBND xã Gào cho biết, khu vực xảy ra vụ cưa hạ gỗ giáng hương nằm địa giới hành chính của xã thuộc phần đất rẫy của người dân sở tại. UBND xã không phát hiện việc đốn hạ và cũng không xác nhận cho phép mua bán cây này; vì đây là quần thể giáng hương quý hiếm còn sót lại và dù nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng của xã thì cũng không cho mua bán gỗ giáng hương để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loại gỗ này.
Tại Đắk Lắk cũng xảy ra vụ tàn sát cây gõ mật trăm tuổi ngay trong mùa Covid-19.
Chủ tịch UBND xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) Nguyễn Đình Hiệp xác nhận, lực lượng chức năng đang truy tìm người trộm một cây gỗ gõ mật (còn gọi là gỗ gụ, thuộc nhóm I) xảy ra trong mùa dịch Covid-19.
Trước đó, một người dân địa phương là ông Y Nu đã viết giấy tay bán cây gõ mật trên cho nhiều người và ông gửi đơn xin khai thác cây gỗ gõ mật nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar đã có văn bản trả lời là cấm khai thác.
Cây gõ mật nằm trên đất rẫy trồng cà phê, tiêu, sát con đường nhựa liên xã Ea Kiết - Ea Kuêh. Chỉ sau 1 đêm đầu tháng 8/2020, cây bị cưa hạ mất mà không biết thủ phạm là ai. Còn ông Y Nu cho biết, tối ngày 2/8 có nghe tiếng xe và tiếng cưa nhưng do đêm khuya nên không ra xem được; sáng hôm sau ra kiểm tra rẫy thì thấy cây đã mất...
Tại hiện trường, cây gỗ đã bị cắt hạ lấy đi phần thân cao hơn 10m, chỉ còn lại gốc và một số vỏ, mùn cưa...
Lãnh đạo UBND xã Ea Kiết nhanh chóng lập đoàn kiểm tra, lập biên bản vụ việc, đồng thời chỉ đạo Công an xã tiến hành làm rõ việc khai thác trộm cây gỗ quý.
Người dân địa phương đặt câu hỏi: Cây gỗ dài hơn 10m với khối lượng cả chục mét khối, lại nằm sát bên đường lớn. Nếu không có sự chuẩn bị, tính toán thì khó mà khai thác, vận chuyển ra ngoài được. Vậy ai là thủ phạm? Câu trả lời còn bỏ ngỏ.
Nói về thực trạng mất rừng ở Tây Nguyên có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, tựu chung lại là vấn đề chủ rừng thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Tại Gia Lai, qua kiểm tra tại 10 đơn vị chủ rừng của Thanh tra tỉnh, đã phát hiện để mất hơn 4.800ha rừng từ năm 2018 - 2019. Trong đó, BQLRPH Chư Mố (Ia Pa) để mất, lấn chiếm là gần 1.500ha, BQLRPH Ia Puch (Chư Prông) để mất, lấn chiếm là trên 1.200ha...
Nhiều vụ mất rừng nghiêm trọng được UBND tỉnh kết luận và chuyển cho Cơ quan điều tra Công an Gia Lai tiếp tục thụ lý, nhưng cuối cùng không khởi tố vụ án được với lý do đưa ra là công tác giám định tài sản bị thiệt hại không thực hiện được nên chuyển xử lý hành chính.
Mới đây, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng ở Gia Lai xác định có từ 130-140ha rừng giáp ranh giữa các huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrăk thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar bị đốt phá, lấn chiếm.
Trong đó, có 10-15ha có cây gỗ lớn, cây đường kính trung bình 10-30cm bị cắt hạ toàn bộ, còn hơn 100ha là cây gỗ, tre nứa rải rác và cây tái sinh.
Trong các lần trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ rừng thường than vãn về nạn phá rừng xảy ra nhiều là do thiếu lực lượng chuyên trách, phương tiện làm việc trong khi diện tích rừng rộng, phân tán; lâm tặc ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt... Song, nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn được Nhà nước rót về đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ; nhưng việc khai thác gỗ trái phép diễn ra trong suốt thời gian dài với khối lượng lớn mà chủ rừng không hề hay biết; dù luôn có nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị phụ trách. Điều đó, cho thấy nhiều đơn vị chủ rừng không chỉ bất lực mà còn buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao. Đồng thời, nếu không có sự tiếp tay cho lâm tặc thì rừng không thể bị tổn hại nhiều như vậy được.
Thực tế qua điều tra các vụ phá rừng nghiêm trọng, Cơ quan Điều tra Công an huyện Kbang (Gia Lai) đã bắt giữ nhiều đối tượng lâm tặc tham gia vào việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong số đó có 1 nhân viên bảo vệ rừng là Lê Hữu Đức bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đầu năm 2020, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra đối với 4 cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar do đã thiếu trách nhiệm, để các đối tượng lâm tặc khai thác rừng trái phép trong thời gian dài, gây thiệt hại lớn.
Dù Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có lệnh đóng cửa rừng từ tháng 10/2017, nhưng “máu rừng” vẫn chảy. Tiếng cưa máy gầm thét khắp núi đồi, hàng loạt cây rừng bị đốn hạ ở nhiều cánh rừng Tây Nguyên, bất chấp sự chỉ đạo và nỗ lực quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương.
Nguyên Phê
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Thái Hải
19:48 13/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương