Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tổng cục Thuế hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3

H.A

Thứ hai, 16/09/2024 - 19:39

(Thanh tra) - Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Theo đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi hỗ trợ bão, lũ. Tuy nhiên, các khoản chi phải có đủ hóa đơn, chứng từ.

Công văn số 4062/TCT-CS của Tổng cục Thuế ban hành ngày 13/9/2024. Ảnh: H.A

Cục thuế các tỉnh, thành phố hướng dẫn người nộp thuế về pháp luật miễn, giảm, gia hạn thuế

Công văn số 4062/TCT-CS của Tổng cục Thuế ban hành ngày 13/9/2024 nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố nơi có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, triển khai việc hướng dẫn người nộp thuế các quy định về pháp luật về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai.

Hướng dẫn về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế cho biết, căn cứ Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các khoản chi sau nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 9 Luật Thuế TNDN.

Theo đó, phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường (điểm a Khoản 2 Điều 9 Luật Thuế TNDN). Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn được tính vào chi phí được trừ như sau: Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập. Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

Khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai (điểm n Khoản 2 Điều 9 Luật Thuế TNDN).

Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC);

Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).

Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau (điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC). Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Việc xác định 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đố đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi theo các điều kiện trên và các khoản chi này phải đáp ứng các điều kiện: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ về gia hạn, miễn, giảm thuế nêu trên và phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có yêu cầu và đề nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại.

Đồng thời, phân công cán bộ phối hợp, đầu mối để hướng dẫn người nộp thuế kịp thời; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế…) và các tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm