Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sớm giảm thuế trên xăng, dầu để bớt áp lực cho người dân

Thứ năm, 30/06/2022 - 18:14

(Thanh tra) - Sau thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính vừa cho biết đã trình Chính phủ giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) để kìm giá xăng, dù vậy, Bộ này chưa tiết lộ chi tiết mức giảm cụ thể với các loại thuế trên. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, đây là động thái tích cực từ phía các bộ, ngành song cần làm nhanh, giảm mạnh các loại thuế để giảm áp lực chi phí cho người dân.

Ảnh minh họa: Internet

Giảm nhanh các loại thuế

Trong 2 tháng qua, giá bán lẻ xăng trong nước liên tục tăng và lập đỉnh. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử là 32.870 đồng, tăng thêm khoảng 9.000 đồng so với đầu năm nay. Dầu diesel ở mức 29.020 đồng/lít, tăng thêm hơn 11.000 đồng so với đầu năm.

Mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng hiện nay phải gánh hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng (sau khi được giảm 50% từ 1/4 năm nay). Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là cần thiết lúc này, để giảm tác động đến đời sống người dân. Trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu để ít tác động đời sống người dân, thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (các loại dầu không có sắc thuế này) là cần thiết. Bên cạnh đó, cũng nên cân đối giảm thuế nhập khẩu, song cần tính toán các tác động của những động thái này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công cụ hữu hiệu nhất để kìm đà tăng giá xăng là giảm thuế, sẽ không tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, những năm trước, giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí vận tải, nhưng nay đã tăng lên mức 50%. Các doanh nghiệp trong ngành đang rất khó khăn.

Ông Bùi Danh Liên kiến nghị, Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm kịch khung thuế Bảo vệ môi trường; hoặc miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

"Vẫn biết, để giảm các loại thuế, phí này cần họp bàn, quốc hội thông qua, có thể ở kỳ họp Quốc hội tới đây. Nhưng tôi cho rằng, đây là vấn đề nóng, thực sự cần thiết. Nên chăng có giải pháp sớm để quyết định chính sách này, giúp giảm bớt ảnh hưởng của giá xăng tới người dân, doanh nghiệp", ông Liên nói.

Theo Bộ Công Thương, nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn; trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia chủ yếu là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Ở nước ta, hiện đang áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí cao so với các nước khác. Tổng cộng các loại thuế phí chiếm trên 60% giá xăng dầu, dẫn đến giá xăng dầu trong nước ở mức cao...

Trên phạm vi quốc tế, nhiều nước cũng đã bắt đầu có các chính sách để hạ nhiệt giá xăng dầu. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng, đồng thời xả kho dự trữ quốc gia, tìm thêm nguồn cung mới...

Chính phủ Hà Lan đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%. Ngoài ra, Hà Lan cũng vừa thông báo sẽ tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro.

Giảm thuế cũng là cách mà Hàn Quốc, Thái Lan đang chọn để kìm đà tăng của giá xăng dầu. Tại Hàn Quốc, thuế với xăng, dầu diesel và LPG giảm 20% trong 6 tháng, đến hết tháng 4 năm nay. Theo đó, thuế với xăng giảm từ 820 won (0,656 USD) xuống còn 656 won (0,525 USD) một lít. Mỗi lít dầu diesel giảm thuế từ 582 won (0,477 USD) còn 466 won (0,382 USD).

Còn Thái Lan, chính phủ nước này quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%).

Ngoài ra, Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng đang tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để hạ nhiệt giá năng lượng. Mức giảm thuế mà Chính phủ Anh đang xem xét có thể là hạ thuế VAT xuống 15% với xăng, dầu trước diễn biến mỗi lít xăng tại nước này đã tăng lên gần 1,6 bảng Anh (tương đương 2,06 USD).

Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai châu Á, cũng thực hiện cắt giảm thuế đối với xăng và dầu diesel từ tháng 11/2021 để đạt được mức giá dầu ổn định, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng đã giảm 5 rupee (0,0671 USD)/lít và 10 rupee (0,1342 USD) mỗi lít đối với dầu diesel.

Đảm bảo nguồn cung là quan trọng

Liên quan đến việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, vấn đề này đã được họp bàn, đề xuất, song theo ông Hải, không chỉ có thuế bảo vệ môi trường mà còn các loại thuế khác cũng có thể xem xét như thuế nhập khẩu.

Quan điểm của ông Đỗ Thắng Hải là "cái gì giảm được thì nên giảm" song cũng cần được tính toán. Bởi thuế nhập khẩu giảm nhiều cũng không phải tốt, khi cần cũng không tăng ngay được, vấn đề này có sự "đánh đổi", ông Hải nói.

Với đề xuất giảm thuế, ông Hải cho biết, hiện Bộ Tài chính đã có đề xuất, sẽ cố gắng thực hiện nhanh nhất. Ngoài ra, ông Hải cũng nhắc đến biện pháp giảm tác động giá xăng dầu bằng cách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tăng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, vấn đề nguồn cung là nhiệm vụ rất lớn, và Bộ này có trách nhiệm trong mọi tình huống phải phục vụ đủ nguồn cung sản xuất kinh doanh và người dân. Bộ sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước nhưng cần có cam kết rõ ràng. Nếu doanh nghiệp trong nước không rõ ràng thì bắt buộc phải nhập để đảm bảo nguồn cung, bởi đây là vấn đề quan trọng hơn cả.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ chủ động điều hành để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho quý III và cuối năm 2022...

Đức Dũng 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế Việt Nam

10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế Việt Nam

(Thanh tra) - Những bước tiến vượt bậc trên hành trình số hóa và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý thuế với mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”; Ứng dụng thuế điện tử (eTax Mobile) của Tổng cục Thuế đề cử lựa chọn cho hạng mục “Ứng dụng Chuyển đổi số ấn tượng của năm”.

16:00 03/01/2025
Sắm tết nhanh gọn bằng thẻ tín dụng, khách hàng “lợi cả trăm đường”

Sắm tết nhanh gọn bằng thẻ tín dụng, khách hàng “lợi cả trăm đường”

(Thanh tra) - Sắm Tết từ sớm đang là xu hướng, lựa chọn phổ biến, bởi tâm lý chung nếu đợi đến quá cận Tết, lượng hàng hóa có thể sẽ khan hiếm và vật giá leo thang là điều khó tránh khỏi. Vào thời điểm lương, thưởng chưa sẵn sàng, tài chính có phần còn “eo hẹp”, thẻ tín dụng trở thành “trợ thủ” đắc lực giúp nhiều người giải bài toán: Tết đủ đầy nhưng hợp lý hóa chi tiêu.

PV

11:07 03/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm