Báo Thanh tra ngày 21/7/2020 đăng bài “Vì sao 286 người trúng tuyển viên chức nhưng chưa được phê duyệt kết quả?”, nội dung phản ánh, việc thi tuyển viên chức làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) trong tỉnh Thanh Hóa theo hình thức thi xét tuyển thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng đã 7 tháng trôi qua nhưng không được các cơ quan chức năng công nhận kết quả.

Trước quyền lợi chính đáng bị mất, hàng trăm thí sinh có thông báo trúng tuyển đồng loạt gửi đơn thư lên các cấp có thẩm quyền. Ngày 3/9/2020, sau khi tổ công tác Bộ Nội vụ vào cuộc và đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh về kỳ thi tuyển dụng viên chức năm 2019 tại Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa.

Tổ công tác của Bộ Nội vụ đã làm rõ nội dung Báo cáo số 1624/SNV-TCBC và Báo cáo số 28/BC-SVN của Sở Nội vụ Thanh Hóa về sai phạm và nguyên nhân không công nhận kết quả trúng tuyển của 286 thí sinh đã được thông báo trúng tuyển làm việc tại VPĐKĐĐ thuộc Sở TNMT Thanh Hóa. Báo cáo của Tổ công tác gồm 9 trang chỉ dẫn luật, quy trình thi tuyển dụng do Sở TNMT tổ chức. Tổ công tác Bộ Nội vụ chỉ rõ, Quyết định số 51, ngày 23/3/2020 của Sở Nội vụ Thanh Hóa thực hiện thêm cả thanh tra việc “thực hiện số lượng người làm việc và tiếp nhận, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của VPĐKĐĐ giai đoạn 16/7/2019 đến ngày 19/3/2020 là chưa phù hợp”.

Việc tổ chức tuyển dụng viên chức của Sở TNMT Thanh Hóa trên cơ sở xây  dựng kế hoạch tuyển dụng đã áp dụng Điều 20 Luật Viên chức, Nghị định 29/2012/CP để xây dựng kế hoạch tuyển dụng là đúng cả về chức danh, nghiệp vụ… Tổ công tác Bộ Nội vụ cho rằng: Quyết định 2829 và Quyết định 3048 của UBND tỉnh Thanh Hóa đều quy định đối với trường hợp được cấp có thẩm quyền ký hợp đồng lao động hoặc cho phép ký hợp đồng lao động thì được ưu tiên tiếp nhận tuyển dụng là không phù hợp với khoản 5 Điều 21 Luật Viên chức. Vì, Luật không ưu tiên lao động hợp đồng.

Tổ công tác Bộ Nội vụ không phát hiện Hội đồng coi thi để lộ đề thi và quy trình vì, Sở TNMT đã mời Công an TP Thanh Hóa tham gia giám sát, không có biên bản thể hiện việc lộ đề. Do đó, việc kết luận của Sở Nội vụ “đồng thời không thực hiện bàn giao đề, đáp án theo hợp đồng tuyển dụng theo chế độ tài liệu mật là vi phạm nghiêm trọng Quy chế xét tuyển….” là chưa có cơ sở.

Từ nội dung kiểm tra về “sai phạm” được Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa dẫn đến hủy kết quả thi tuyển của 413 thí sinh, trong đó có 286 thí sinh đã trúng tuyển Tổ công tác Bộ Nội vụ làm rõ: Trước khó khăn, vướng mắc trong quá trình bàn giao cán bộ, Sở TNMT đã báo cáo nhưng UBND tỉnh không  có ý kiến, trong khi đó vẫn phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sau đó, Sở Nội vụ lại có báo cáo thêm Sở TNMT không thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc triển khai tổ chức thực hiện quyết định thành lập đưa VPĐKĐĐ vào hoạt động là ngoài phạm vi được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Công văn số 3367 và chưa xem xét nguyên nhân khách quan của sự việc.

Về Kế hoạch tuyển dụng viên chức của VPĐKĐĐ do Sở TNMT xây dựng và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, nhưng sau đó Sở này lại cho rằng Sở TNMT xây dựng kế hoạch không căn cứ vào quy định của pháp luật là không phù hợp. Mặt khác, trong quá trình giám sát Sở Nội vụ không có biên bản ghi nhận ý kiến về những sai sót. Vì vậy, ngày 18/2/2020 Giám đốc Sở Nội vụ đã có Công văn số 235 đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận kết quả xét tuyển. Tổ công tác Bộ Nội vụ cho rằng: Việc xét tuyển của Sở TNMT cơ bản thực hiện theo quy định, tuy nhiên có một số lỗi kỹ thuật thường gặp mà hầu hết tất cả các kỳ thi tuyển dụng đều mắc phải do chưa có kinh nghiệm tổ chức. Tổ công tác đề xuất Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát nội dung kiến nghị, tố cáo và làm việc với người kiến nghị, phản ánh, tố cáo để phân loại, xử lý theo quy định tại Điều 22, Thông tư số 07/2014/TT- TTCP…

Tổ công tác Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát Báo cáo số 28, ngày 3/6/2020 của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc kết luận khách quan, thận trọng, đúng thẩm quyền. Trong đó, xác định rõ việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ Ban Giám sát kỳ xét tuyển viên chức; quá trình phỏng vấn của Ban kiểm tra sát hạch; việc giao, nhận đề thi, đáp án thi từ Ban kiểm tra sát hạch cho Chủ tịch hội đồng tuyển dụng có lộ, lọt tài liệu trước khi sát hạch hay không?, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).

Vấn đề là, sau khi có Báo cáo số 1624/SNV-TCBC và Báo cáo số 28/BC-SVN của Sở Nội vụ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho phép VPĐKĐĐ thuộc Sở TNMT tự xây dựng các VPĐKĐĐ cấp huyện; tự đề bạt trưởng, phó các Văn phòng  cấp huyện, VPĐKĐĐ đã được UBND tỉnh cấp kinh phí hoạt động và 2 báo cáo trên được Tổ công tác Bộ Nội vụ kết luận “không phù hợp với quy định của pháp luật”. Ngày 14/9/2020 Bộ Nộ vụ đã có Công văn số 4778 gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp, ngành có thẩm quyền kiểm tra lại và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân báo cáo Bộ Nội vụ trước 30/9/2020 để có hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho 286 thí sinh.

Hiện dư luận Thanh Hóa cho rằng, có thể do 71 cán bộ hợp đồng từ trước 2015, được xem là “con ông, cháu cha” đang làm việc tại các VPĐKĐĐ cấp tỉnh và các huyện bị loại do phỏng vấn ở vòng 2 là nguyên nhân chính làm cho các cơ quan chức năng Thanh Hóa “quên mất” các quy định của Luật Viên chức, Nghị định 161/CP và các văn bản pháp luật khác liên quan đến thi tuyển viên chức… Kết luận của Tổ công tác Bộ Nội vụ đã nêu rõ: “đợt thi tuyển viên chức do Sở TNMT tổ chức vào ngày 2-3/1/2020 đúng quy định”, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, trả lại quyền lợi chính đáng cho 286 thí sinh đã trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức này.

Trần Lê