Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyên truyền Hiệp định RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Thái Hải

Thứ ba, 19/04/2022 - 15:58

(Thanh tra) - Ngày 19/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề: Tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết.

Toàn cảnh hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN. Ảnh: TH

Hội nghị nhằm cung cấp thông tin cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe các nội dung: Hiệp định RCEP - những nội dung cơ bản doanh nghiệp cần biết; dự báo một số tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 04/4/2022); một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP...

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định có hiệu lực sau khi có đủ 6 nước ASEAN và 3 đối tác ngoài ASEAN hoàn tất quá trình phê chuẩn nội bộ.

Việt Nam có mối quan hệ thương mại - đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này. Trong so sánh với các FTA của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và/hoặc có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Do đó, việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Văn kiện hiệp định bao gồm 20 chương, 4 phụ lục, với hàng ngàn trang cam kết có nội dung và ngôn ngữ phức tạp. Việc tìm hiểu, tận dụng được cơ hội từ các cam kết này là thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM cho rằng, không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa.

Nhất là thị trường bên ngoài trong quá trình phục hồi sau 2 chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Có thể thấy một sự nhất quán trong các cơ hội, kế hoạch phục hồi là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng với RCEP, những tác động tới kinh tế Việt Nam không phải giờ mới cân nhắc mà đã được đánh giá từ năm 2013 - 2014, khi mới đàm phán gia nhập RCEP.

Đến thời điểm này, dù còn nhiều đánh giá khác nhau về tác động nhưng đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP và quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch.

Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA) với những cam kết và ràng buộc cao hơn so với RCEP.

Vì vậy về lý thuyết, nếu Việt Nam chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết thì Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và nhiều lợi thế khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cả RCEP.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), RCEP thúc ép chúng ta phải có những thay đổi để tận dụng được cơ hội về thuế quan thì các thủ tục sẽ phải thuận lợi hơn, với sức ép và thách thức từ RCEP lại là động lực.

Bên cạnh đem đến nhiều cơ hội lớn, RCEP là một hiệp định mới cũng mang tới những thách thức đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn.

Do đó doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhanh hơn và đầy đủ hơn chứ không phải với một tầm nhìn ngắn hạn như trước đó để phát triển bền vững.

Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng hiện nay kinh doanh không phải kinh doanh với một thị trường mà kinh doanh với thế giới. Những thị trường tưởng dễ tính đã không còn dễ tính, doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng với những thách thức mới.

Đồng thời cần cải cách môi trường kinh doanh để làm sao giải phóng hiệu quả nhất và có ý nghĩa thực chất nhất để tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước bởi những cạnh tranh từ đối tác RCEP sẽ mạnh hơn nhiều không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm