Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Theo kế hoạch vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh ký ban hành, mục đích của kế hoạch là khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, xây dựng nhà máy thông minh, ưu tiên thu hút đầu tư từ các tập đoàn sản xuất lớn, đa quốc gia, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, chế biến, chế tạo, điện tử, viễn thông, tin học, hàng tiêu dùng, hóa dược... có công nghệ cao, sạch, tiêu hao ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững.

Tập trung phát triển ngành thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tăng cường hợp tác phát triển, thúc đẩy dịch vụ logistics, giao thông và liên kết kinh tế vùng.

Cùng với đó là phát triển đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương.

Theo kế hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh.

Phát triển nhanh, bền vững mảng nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; tập trung phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. 

leftcenterrightdel
 Tỉnh Bình Dương phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5-8,7%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Đ.T

Phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5-8,7%/năm trong giai đoạn 2021-2025

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, trên cơ sở thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay, các chỉ tiêu Kế hoạch đưa ra nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025 và đạt được các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của Chương trình số 111-CTr/TU ngày 17/3/2023 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh phấn đấu thực hiện cụ thể các chỉ tiêu theo 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5-8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 210-215 triệu đồng; cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp đến năm 2025 tương ứng là 62,3% - 28% - 2,5% - 7,2%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 20%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân trên 8,7%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14-15%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9-10%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 9-10%/năm.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội 2-3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 35%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 50%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 85%; tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện đạt 100% (ở khu vực đủ điều kiện đầu tư lưới điện). Xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch; thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đạt 9 tỷ USD.

Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện tiêu chí xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp; Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

leftcenterrightdel
Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Bình Dương phấn đấu GRDP tăng bình quân 9-10%/năm. Ảnh: Đ.T

Phấn đấu GRDP tăng bình quân 9-10%/năm trong giai đoạn 2026-2030

Trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu GRDP tăng bình quân 9-10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 393-419 triệu đồng, tương đương 15.000 - 16.000 USD; GRDP của tỉnh với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp đến năm 2030 tương ứng là 62% - 30% - 1% - 7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30-35%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%.

Chỉ số IIP tăng bình quân trên 8,5%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 16%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 7-8%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 5-6%/năm.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội dưới 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 40-45%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện đạt 100%.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch; phấn đấu đến năm 2030, diện tích các khu, cụm công nghiệp tăng từ 30% trở lên (tăng từ 4.000 ha trở lên); thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2026-2030 đạt 12 tỷ USD. Vận động và tiến hành di dời 30-40% số lượng doanh nghiệp thuộc diện di dời theo Đề án di dời các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam lên các địa phương phía Bắc để tập trung sắp xếp quy hoạch chuyển đổi công năng sang phát triển dịch vụ, thương mại tạo sự phát triển cân bằng bền vững trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành các tiêu chí về đô thị thông minh, sau năm 2030 nâng cấp chất lượng đô thị theo chuẩn quốc tế, nâng cao chỉ số phát triển con người, chỉ số nguồn nhẫn lực, chỉ số về môi trường, chỉ số năng suất lao động,...

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước, trên cơ sở 3 yếu tố chính là phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và tăng trưởng xanh.

leftcenterrightdel
 Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước, trên cơ sở 3 yếu tố chính là phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và tăng trưởng xanh. Ảnh: A.X

7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bình Dương đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đổi mới tư duy, nhận thức, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

Cùng với đó, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Chu Tuấn