Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển mình thành phố mang tên Bác

Mai Mười

Thứ sáu, 19/04/2024 - 13:25

(Thanh tra) - Là địa phương chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch Covid-19, cùng với sự suy giảm kinh tế của khu vực và trên thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đang trên đường hồi phục dựa vào những chính sách vượt trội, được cụ thể hóa từ Nghị quyết 98/2023/QH15.

Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước phục hồi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Ảnh: Mai Mười

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực từ 1/8/2023, cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng, thu hút đầu tư, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của vùng kinh tế động lực và cả nước.

Quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả

Cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố trước đây không còn phù hợp trong bối cảnh địa phương đã trải qua giai đoạn dịch bệnh hết sức khó khăn; sự suy giảm kinh tế của khu vực và trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, các chỉ số tăng trưởng của địa phương không đáp ứng như kỳ vọng.

Từ khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, Thành phố đã khẩn trương thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp, đẩy nhanh việc phân cấp, phân quyền; triển khai một cách có hiệu quả các dự án giải ngân vốn đầu tư công, các dự án còn dở dang vì vướng về thủ tục pháp lý, giải tỏa đền bù; đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98) thường xuyên giám sát, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tham mưu, đề xuất các giải pháp kịp thời nhằm giải quyết nhanh các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo kịp thời, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân đã từng bước được tháo gỡ, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo và giải quyết việc làm đã có những chuyển biến rõ rệt.

Ngày 8/11/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã giao chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm năm 2023. Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ủy thác giải ngân toàn bộ 2.796 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2023 và quý 1/2024.

Thành phố Thủ Đức từng bước hoàn thiện bộ máy chính quyền đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Mới đây, thành phố kêu gọi đầu tư 11 dự án nhóm B, C theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng giá trị hơn 2.000 tỉ đồng. Đây là những điểm mới trong kêu gọi đầu tư nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực xã hội để phát triển địa phương.

Những vướng mắc về các dự án phát triển hạ tầng, nhà ở cũng được UBND Thành phố và các sở, ngành nghiên cứu và tìm các giải pháp phù hợp. Liên quan đến nhà ở xã hội (NƠXH), UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể từng cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ để đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu, thấp nhất là 26.200 căn NƠXH, phấn đấu xây dựng đạt 35.000 căn. Trong đó, cần nghiên cứu vận dụng Nghị quyết 98 tháo gỡ vướng mắc về đất đai, quy hoạch, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần nộp hồ sơ một cửa tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao, rút ngắn được thời gian và không còn phải qua “nhiều cửa” như trước. Ảnh: Mai Mười

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết, Nghị quyết 98 và Nghị định 10 về khu công nghệ cao mới ban hành xác lập khung thể chế để SHTP thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ. Đây là yếu tố quan trọng về thủ tục hành chính cho phép các dự án được triển khai nhanh tại SHTP với các lĩnh vực mũi nhọn như: Vi mạch bán dẫn, hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học...

Khởi sắc từ chính sách vượt trội

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều dấu ấn nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số, tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong 3 năm liên tiếp theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

Địa phương đã phê duyệt 740 thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Hơn 22,4 triệu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trong năm 2023, hồ sơ giải quyết đúng hạn trên 99,8%.

Tại Hội nghị ASOCIO Digital Summit diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc (tháng 11/2023), Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính phủ số xuất sắc.

Giải thưởng trên là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của chính quyền Thành phố trong việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo thường kỳ về kinh tế - xã hội quý I/2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương tuy gặp không ít trở ngại, khó khăn khi bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các nguồn lực về vốn, nhân lực của doanh nghiệp còn hạn chế nhưng đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 ước đạt 406.345,3 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 269.891 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Tất cả các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%; dịch vụ hoạt động chuyên môn KHCN tăng 6,24%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng trưởng 5,1%, cao nhất trong 4 năm gần đây (quý I/2021 tăng 4,1%, năm 2022 tăng 4%, năm 2023 giảm 0,8%).

Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, tính đến ngày 29/3/2024, tổng vốn số vốn đã giải ngân là 4.481 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,7% tổng vốn Thủ tướng Chính phủ giao (79.263,776 tỷ đồng). So với số liệu giải ngân của quý I/2023 (1.608 tỷ đồng, tương đương 2,3%) thì số liệu giải ngân tăng hơn 3.958 tỷ đồng và gấp hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Về ngân sách Nhà nước, tổng thu quý I/2024 ước đạt 138.546 tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý I/2024, kiều hối chuyển về đạt 2,86 tỉ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Những con số tăng trưởng đã cho chúng ta thấy, sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, Nghị quyết 98 bước đầu đã dần đi vào thực tế đời sống, phát huy hiệu quả, tạo những chuyển biến tích cực, lan tỏa những điểm sáng về bức tranh kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tổng công ty Khí Việt Nam làm việc với tỉnh Nam Định thúc đẩy dự án Trung tâm điện khí LNG

Tổng công ty Khí Việt Nam làm việc với tỉnh Nam Định thúc đẩy dự án Trung tâm điện khí LNG

(Thanh tra) - Vừa qua, Đoàn công tác Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) do đồng chí Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Nam Định nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG và trao quà an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.

PV

15:51 15/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm