Đây là mục tiêu nêu tại đề cương Đề án "Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, giá trị gia tăng cao" được UBND TP HCM phê duyệt.
Trong thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của TP HCM đã chuyển dịch, với tỷ trọng dịch vụ ngày càng tăng so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, theo UBND Thành phố. Theo đó, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 57,5% trong GRDP năm 2010 lên hơn 64% vào 2022.
Đầu tàu kinh tế đồng thời duy trì vị thế cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, góp 25,7% tỷ trọng vào tăng trưởng dịch vụ cả nước giai đoạn 2011 - 2022.
Từ sau Covid-19, dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ hồi phục và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GRDP. Tỷ trọng của ngành trong cơ cấu nền kinh tế cũng tiếp tục đi lên, từ 63,4% vào 2021 lên 65,6% trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều hạn chế về vốn, quy mô, chưa có các đơn vị hàng đầu vai trò dẫn dắt thị trường. Liên kết của các doanh nghiệp chủ yếu theo chiều dọc (kết nối các khâu trong chuỗi dịch vụ), trong khi hợp tác trong hệ sinh thái (tức chiều ngang), còn ít và chuyển đổi số cũng chưa mạnh.
Do đó, việc xây dựng đề án nhằm khắc phục các hạn chế, tạo bứt phá cho ngành dịch vụ của đầu tàu kinh tế. Việc này cũng nhằm đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á và châu Á trên các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.
Thời gian tới, thành phố sẽ lựa chọn phát triển các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, then chốt có giá trị gia tăng với quy mô, tỷ trọng phù hợp tiềm năng làm lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, TP HCM sẽ định hình các dịch vụ cao cấp, hiện đại cần được phát triển, với tiêu chí xác định cụ thể, phù hợp thông lệ quốc tế, chỉ tiêu thống kê để làm cơ sở đo lường, theo dõi.
Nửa đầu năm, GRDP TP HCM tăng 6,46% so với cùng kỳ 2023, tốc độ cao nhất kể từ 2020. Thành phố đặt mục tiêu năm nay tăng trưởng kinh tế 7,5-8%. Để đạt mục tiêu này, TP HCM đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công, dịch vụ tiêu dùng trong hai quý cuối năm. |