Hoà Vang là huyện miền núi phía Tây TP Đà Nẵng, mỗi khi vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng; nhất là các xã: Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Nhơn… Chúng tôi cùng ông Nguyễn Hải Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Phú lên thôn Phú Túc, nằm sát Quốc lộ 14G, là thôn có gần 100% đồng bào Cơ Tu sinh sống.

Tại khu vực Km7+100 và Km7+800, có 43 hộ dân nhà ở sát triền vách núi, mỗi khi đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở núi diễn ra liên tục. Đất đá, bùn tràn vào khu dân cư, tràn lấp kín cả mặt đường Quốc lộ 14G rất nguy hiểm.

Mùa mưa năm nào, UBND xã Hòa Phú cũng phải phối hợp với Phòng Quản lý đường bộ III.I tổ chức giăng dây, lắp đặt biển cảnh báo các điểm sạt lở trên tuyến đường này để đảm bảo an toàn giao thông.

Do tình trạng sạt lở núi uy hiếp 42 hộ dân có nhà ở nằm sát chân núi, cứ có mưa lũ là chính quyền huy động công an, dân phòng, thanh niên… gấp rút tổ chức di dời dân đến nơi cao ráo; cuộc sống bất an cứ tái diễn đối với các hộ dân này đã kéo dài nhiều năm…

leftcenterrightdel
 Đèo La Ngà vẫn tiếp tục sạt lở ngay cả trong mùa nắng hạn. Ảnh: N.P

Xuôi về phía Tây - Bắc Hòa Vang, tại thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, người dân đang quan tâm nhiều đến việc di dời 44 hộ dân có nguy cơ sạt lở khu vực đồi núi Sọ.

Mùa mưa lũ tháng 10/2020, tại tổ 3, thôn An Ngãi Tây 1, nhà một số hộ dân sinh sống sát chân đồi núi Sọ bị sụt lún nền nhà, rạn nứt tường nhà; sụt lún bờ kè đá bất thường, UBND xã đã kiểm tra, đánh giá nguy cơ rủi ro và báo cáo lên huyện.

Sau khi kiểm tra thực tế, UBND huyện Hòa Vang xét thấy khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất đá rất nguy hiểm đến tính mạng người dân nên đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà cho 6 hộ dân có nguy cơ cao; các hộ dân còn lại sơ tán đến những khu vực cao trong thôn khi có mưa lớn và được hỗ trợ tiền ăn...

Sau đó, UBND xã Hòa Sơn tổ chức họp lấy ý kiến người dân và xây dựng phương án trình UBND huyện và TP Đà Nẵng quan tâm di dời 44 hộ dân khu vực dưới chân đồi núi Sọ. Tuy nhiên, sau nhiều thủ tục, đến nay đã sắp bước vào mùa mưa lũ năm 2024, việc di dời, sắp xếp tái định cư cho người dân vẫn chưa thể tiến hành.

Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, khó khăn nhất vẫn là việc bố trí nơi tái định cư cho người dân vẫn chưa có, hiện tại chính quyền địa phương cũng chỉ động viên người dân sẵn sàng chấp hành di dời đến vị trí an toàn khi có mưa lũ xảy ra.

leftcenterrightdel
Ban Quản lý Dự án đường ĐT601 thi công gia cố ta luy âm tại đèo La Ngà trước mùa mưa lũ năm 2024. Ảnh: N.P 

Xã miền núi vùng cao Hoà Bắc có nhiều khu dân cư đang đứng trước hiểm họa, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ đến là nổi trăn trở, lo lắng lớn của chính quyền và người dân địa phương.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, trong mùa mưa lũ năm 2023, trên đèo La Ngà tuyến đường ĐT 601, qua thôn Nam Mỹ xảy ra tình trạng sạt lở núi. Đất đá và cây cối đổ xuống chắn ngang mặt đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông qua khu vực.

Đèo La Ngà có chiều dài khoảng hơn 500 mét, qua thôn Nam Mỹ, ngược lên các thôn Tà Lang, Giàn Bí vào mùa mưa lũ các năm qua và hiện nay xảy ra tình trạng sạt lở cả phía ta-luy dương, từ núi cao đổ xuống lòng đường và sạt lở phía ta-luy âm, nền đường đổ xuống sông Cu Đê và lòng hồ đập dâng Nhà máy nước Hòa Liên.

Năm 2024, UBND xã đã có văn bản đề xuất UBND huyện về việc mở tuyến đường thay thế đoạn qua đèo La Ngà.

Qua quan sát, nghiên cứu, nếu mở tuyến mới thay thế đèo La Ngà, sẽ xuất phát từ khu vực khe Dâu, thôn Nam Mỹ đến khu vực cầu Bưu Điện, có chiều dài khoảng 2 km; đi qua địa hình núi thấp, không hiểm trở, an toàn hơn khi đưa vào sử dụng, lưu thông.  

Đề xuất của UBND xã Hòa Bắc là rất hợp tình, hợp lý, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí, UBND TP Đà Nẵng trả lời, đề xuất này phải đến năm 2030 mới có thể giải quyết được.

Trước mắt, Ban Quản lý Dự án đường ĐT601 chỉ triển khai kè gia cố ta luy âm, làm mương thoát nước ta-luy dương nhằm hạn chế sạt lở nền mặt đường khi mùa mưa lũ đến. 

leftcenterrightdel
Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm, động viên người dân khu vực núi Ông Sọ (Hòa Sơn) mùa mưa năm 2022. Ảnh: N.P 

Tại xã Hòa Bắc, nguy cơ sạt lở còn ảnh hưởng tới 20 hộ dân các khu dân cư, cụ thể: Tại thôn Tà Lang, do đất đá trôi, gây sạt lở, bồi lấp từ cống thoát nước đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 7 hộ dân nằm sát bên bờ sông Nam. Các hộ này cần phải di dời, nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai vì chưa có mặt bằng tái định cư mới.

Thôn Phò Nam có 9 hộ dân nằm sát chân núi ven đường La Sơn - Túy Loan cũng bị đe dọa vì gặp mưa đất đá trôi, sạt lở, bồi lấp; cần di dời. Tuy nhiên sau nhiều năm vẫn chưa thể triển khai vì khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc giai đoạn 2 vẫn đang thi công, chưa biết bao giờ mới xong.

Thôn Nam Yên có 4 hộ dân tại khu vực Khe Định bị ảnh hưởng bởi khe suối sạt lở, gây bồi lấp vườn, nhà cửa. Huyện và xã đã kiểm tra thực tế rồi thống nhất cần phải xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực khe suối qua các hộ dân, người dân mong muốn việc xây kè sớm được triển khai….

Trước nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ đến tại Hòa Vang, chúng tôi đặt vấn đề về giải pháp khắc phục của từng địa điểm. Song, lời giải vẫn chưa thuyết phục, chủ yếu do khó khăn về kinh phí.

Được biết, từ tháng 7 đến nay, UBND huyện Hòa Vang đã kiểm tra, rà soát loại toàn bộ các khu dân cư có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ đến, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng để sớm được xem xét và có giải pháp hữu hiệu trong thời gian sớm nhất.

Ngọc Phó