Starbucks là một thương hiệu cà phê quen thuộc nổi tiếng trên thế giới với mạng lưới cửa hàng rộng rãi đa quốc gia. Starbucks có trụ sở chính tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ, ngoài ra, hãng có 17.8000 quán ở 49 quốc gia, bao gồm 11.068 quán tại Mỹ, gần 1.000 ở Canada và hơn 800 ở Nhật Bản.

Kể từ khi thương hiệu cà phê nổi tiếng của Úc Gloria Jeans Coffee mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 1/2007 thì “dân làm thương hiệu” đã đưa ra dự đoán về sự xuất hiện của những tên tuổi khác, trong đó có Starbucks. Năm 2008, hãng cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf đến Việt Nam. Và đến năm 2011, Giám đốc Điều hành Starbucks, Howard Schultz trong cuộc phỏng vấn của BBC cho biết: Starbucks sẽ cố gắng xâm nhập vào thị trường Việt Nam trước năm 2013.

Ngoài ra, việc mở cửa hàng thương hiệu Starbucks tại Việt Nam cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng thị trường châu Á của “người khổng lồ”. 

Tăng trưởng kinh tế khó khăn tại Mỹ khiến cho hoạt động của Starbucks tại thị trường truyền thống này gặp nhiều đình trệ. Để khắc phục vấn đề, Starbucks đã phân định và tổ chức lại thị trường kinh doanh của mình, cụ thể gồm ba khu vực chính: Châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Âu, Trung Đông và châu Phi. 

Thị trường châu Á được xem được hoạch định chính để mở rộng trở thành thị trường tăng trưởng tiềm năng. “Khi chúng tôi nhìn vào các cơ hội mà chúng tôi có, chúng tôi nghĩ phải điều chỉnh lại cơ cấu và đẩy mạnh năng lực hàng đầu của chúng tôi vào đây”, Giám đốc điều hành Starbucks trả lời hãng tin AP vào hồi tháng 7/2012.

Dự kiến, vào cuối năm 2013, Starbucks sẽ mở thêm 1.000 cửa hàng tại Trung Quốc, 1.000 cửa hàng tại Nhật Bản và 500 cửa hàng nữa tại Hàn Quốc. Và sau đích đến Việt Nam, Starbucks cũng đầu quân tại thị trường Ấn Độ vào tháng 10 tới.
 
Xét một cách tổng quát, Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực, ngoài ra Việt Nam còn là một thị trường cà phê màu mỡ, với sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. 

Thêm nữa, tại thị trường Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng đã bắt đầu làm quen với các chuỗi cửa hàng cà phê thương hiệu nước ngoài như Gloria Jeans, Illy’s… hiện xuất hiện ngày càng nhiều trong các trung tâm thành phố. Các thương hiệu khổng lồ khác như KFC, Pizza Hut.. cũng được những người tiêu dùng hiện đại Việt Nam đón nhận nhiệt tình. Vì thế, có thể hy vọng rằng, thị trường Việt Nam là “đất lành” mà Starbucks mong đợi. 
 
Việt Nga