Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thế Hải
Thứ năm, 02/01/2025 - 06:00
(Thanh tra) - Xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đã cán đích với những con số ấn tượng hơn cả mong đợi, hơn 782 tỷ USD, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 400 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với thặng dư 23,5 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu dệt may năm 2024 cán đích 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,2% so với năm 2023. Ảnh: Thế Hải
Xuất nhập khẩu tiến gần mốc 800 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiến sát mốc 800 tỷ USD trong những ngày cuối năm 2024, đánh dấu kỷ lục về ngoại thương Việt Nam.
Tổng cục Hải quan tính toán, với sự phục hồi mạnh mẽ về thương mại toàn cầu, đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của nước ta ước đạt 782,33 tỷ, mức cao nhất từ trước tới nay.
Còn tính từ đầu năm đến 14/12/2024, xuất nhập khẩu đạt 745,38 tỷ USD, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD, tăng 14,46%, nhập khẩu đạt 360.98 tỷ USD, tăng 16,32%. Cán cân thương mại hết 14/12/2024 xuất siêu 23,42 tỷ USD.
Sau năm 2023 tăng trưởng âm, xuất nhập khẩu chỉ về đích với 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước, từ đầu năm 2024, các ngành hàng xuất khẩu của nước ta đã đón bắt cơ hội thị trường gia tăng trở lại để đẩy mạnh xuất khẩu. Con số 782 tỷ USD thực hiện trong năm qua đã tăng so với năm ngoái 101 tỷ USD, vượt kết quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm trước (97 tỷ USD). Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn, đã đưa chân các nhà nhập khẩu lớn tìm đến Việt Nam, mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu để đặt hàng.
Đó là lý do, Việt Nam đã có thị trường xuất khẩu vượt 100 tỷ USD chỉ sau 11 tháng. Cụ thể, thị trường Mỹ đã chi 108,9 tỷ USD nhập hàng Việt, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, EU nhập từ Việt Nam 47,3 tỷ USD, tăng 18,1%; Hàn Quốc nhập 23,4 tỷ USD, tăng 8,7%, ASEAN nhập 33,7 tỷ USD, tăng 13,4%...
Đáng lưu ý, các ngành xuất khẩu chủ lực như: Điện tử, dệt may, giày dép và nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ vai trò quan trọng, bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu.
Riêng 2 nhóm hàng dẫn đầu là máy tính - linh kiện điện tử và điện thoại mang về hơn 120 tỷ USD, hàng dệt may, xơ sợi 44 tỷ USD, giày dép - túi xách 27 tỷ USD, ngành nông nghiệp với các nhóm hàng lớn như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, gạo, cà phê, điều…góp doanh thu gần 63 tỷ USD…
Bối cảnh thế giới năm qua tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường, kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo chi phí logistics tăng cao, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau, nhưng vượt qua những thách thức đó, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn cán đích với những con số hết sức ấn tượng.
Quy mô ngành sản xuất trong nước ngày càng lớn nhờ thu hút lượng vốn FDI “khủng” vào sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng cho gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa, cùng với mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đã tiếp sức mạnh mẽ cho hoạt động xuất khẩu.
Đơn cử, tháng 11/2024, đã có gần 4,12 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Nhờ vậy, đưa tổng vốn FDI đăng ký trong 11 tháng đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Không những thế, khoản vốn giải ngân cũng khá tích cực, 11 tháng đã có khoảng 21,68 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Là doanh nghiệp sở hữu 13 nhà máy sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho hay, các FTA mà Việt Nam ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên toàn cầu đang trợ lực rất hiệu quả cho xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch HĐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương, với riêng EVFTA, nhờ 5 năm thực thi, doanh nghiệp đã xuất khẩu lượng hàng hóa dệt may tăng gấp đôi, từ 20 triệu USD trước khi có EVFTA, lên 40 triệu USD trong năm 2024.
Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, thực thi các FTA thời gian qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng.
Theo dữ liệu của ngành Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ năm 2002 đến 2012 đạt 1.036 tỷ USD, đến giai đoạn 2013 - 2021 đã chạm mức 4.110 tỷ USD, gấp 4 lần của 10 năm trước đó.
Năm 2023, chịu ảnh hưởng từ kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng xuất nhập khẩu vẫn cán đích 681,1 tỷ USD, tức 6 lần so với bình quân năm giai đoạn 2002 – 2012 và tăng khoảng 50% so với bình quân năm của giai đoạn 2013 - 2021.
Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận nữa trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với mức thặng ước 23,5 tỷ USD. Khoản thặng dư thương mại này góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Cơ hội “bứt phá” xuất khẩu 2025
Xuất nhập khẩu năm 2025 của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn gia tăng, trong đó có Mỹ, cùng đó lạm phát ở nhiều thị trường (EU, Nhật Bản) giảm... nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục. Những yếu tố này tác động tích cực đển thương mại của Việt Nam với thế giới.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay: “Việc thực thi các FTA tiếp tục mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam phát triển thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao. Cùng đó, Việt Nam cũng lọt Top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn toàn cầu”.
Thông tin từ các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp dệt may và da giày lớn đã có đơn hàng đến tháng 4, tháng 5 sang năm, nhưng thách thức là đơn giá không tăng, trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng, do đó, các doanh nghiệp phải co kéo nhiều để điều phối sản xuất.
Song hành là giảm giá đơn hàng đi cùng những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hoá" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới.
Việt Nam tiếp tục là địa chỉ cung ứng hàng hóa lớn cho thị trường toàn cầu, nhưng điểm cần khắc phục trong năm 2025 và những năm tiếp theo là các ngành hàng cần giảm sự tập trung quá lớn vào một số thị trường để giảm thiểu rủi ro trước những bất lợi về chính sách thương mại. Rà soát xuất khẩu đối với một số ngành hàng xuất đi Mỹ, EU, Canada... nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông John Goyer, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Mỹ cho rằng: “Trao đổi thương mại Việt - Mỹ đang tăng trưởng nhanh, nhưng doanh nghiệp cần quan tâm chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Trump, bởi nhiều khả năng, công cụ thuế quan sẽ được sử dụng nhiều hơn với hàng nhập khẩu”. Rõ ràng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị cho khả năng này.
Năm 2025, thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư… Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024.
Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát, đánh giá kịp thời, đầy đủ những tác động do thay đổi chính sách của Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Trump nhậm chức vào cuối tháng 1/2025 để ứng phó kịp thời, phù hợp, hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu bền vững.
"Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 tăng 15%, cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch do Chính phủ giao trong năm 2024 (6%); cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao, khoảng 23,5 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu do Chính phủ giao trong năm 2024 (khoảng 15 tỷ USD)", theo Bộ Công thương.
Bảng biểu quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa 5 năm gần đây
2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 |
534,3 | 668,5 | 732 | 681 | 782,3 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 4/1, UBND tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì. Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Bùi Bình
(Thanh tra) - Ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
T.Thanh
TC
Hương Giang
Hương Giang
Hoàng Long
Chu Tuấn
Trung Hà
Bùi Bình
Trọng Tài
T.Thanh
Hải Hà
Hải Hà
Lê Phương