Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm, nghêu

Thứ ba, 17/05/2011 - 09:55

(Thanh tra) - Từ đầu tháng 3 đến nay, một số tỉnh Nam Bộ và miền Trung xảy ra hiện tượng tôm và nghêu chết trên diện rộng, gây thiệt hại nặng cho người sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2011. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vừa có chỉ thị về việc phòng chống dịch bệnh tôm và nghêu tại ĐBSCL.

Dịch bệnh đang gây thiệt lại nặng cho người nuôi tôm (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tính đến giữa tháng 5, diện tích tôm sú, tôm thẻ chân trắng thiệt hại trên 25.000 ha. Trong đó, thiệt hại do bệnh đốm trắng khoảng 423 ha. Còn lại, do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân do bệnh hoại tử gan tụy – một bệnh mới xuất hiện gây chết hàng loạt tôm nuôi.

Diện tích nghêu nuôi ở Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau chết trên 2.100 ha (chiếm 60% diện tích), sản lượng thiệt hại ước trên 10.200 tấn với giá trị thiệt hại ước khoảng 320 tỷ đồng.

Trong Chỉ thị, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo làm tốt việc theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh trên tôm và nghêu ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên để kịp thời ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Chủ động trong công tác phòng chống dịch, ngăn ngừa có hiệu quả việc lây lan ở những nơi xảy ra dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn các tỉnh trong cả nước. Trên cơ sở đó, kiên quyết rút giấy phép, dừng sản xuất các cơ sở sản xuất giống không đủ điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh. Thực hiện kiểm dịch 100% con giống xuất bán và thả nuôi từ các cơ sở sản xuất giống, thực hiện việc tái kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi; cương quyết tiêu hủy tôm bố mẹ, tôm giống nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm do vi rút để tránh việc lan truyền bệnh đến các vùng nuôi.

Với các vùng nuôi nghêu, thực hiện việc giám sát dịch bệnh, đặc biệt theo dõi tỷ lệ và cường độ cảm nhiễm bệnh ký sinh trùng nội bào trên nghêu để có kế hoạch ngăn ngừa dịch bệnh cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh đối với sản phẩm nghêu thu hoạch xuất khẩu.

Công tác vệ sinh môi trường ao nuôi, tẩy trùng, sát khuẩn cần được tăng cường. Thực hiện thả giống kịp thời vụ và quy hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cho những vùng chậm thời vụ tôm sú. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học và các quy trình kỹ thuật nuôi.

Theo Chỉ thị, các đơn vị thuộc Bộ cũng tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó, Cục Thú y chủ trì công tác phòng chống dịch bệnh trên nghêu và tôm, hướng dẫn việc giám sát bệnh trên các vùng nuôi hiện đang xảy ra bệnh để chủ động trong việc phòng ngừa. Cần thông báo cho các địa phương đang sử dụng nguồn giống nghêu từ ĐBSCL tạm dừng việc mua bán, vận chuyển con giống để tránh việc lây lan bệnh…

Cơ quan thú y vùng và chi cục thú y các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch và kiểm soát chất xả thải từ vùng dịch để giảm thiểu sự lây lan các nguồn bệnh. Các địa phương có thể lập trạm kiểm soát ở các vùng đầu mối để kiểm soát dịch bệnh.

Tổng cục Thủy sản bố trí cán bộ thường trực tại các tỉnh ĐBSCL để bám sát tình hình và chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả dịch bệnh, cải tạo vùng nuôi để thả giống kịp thời vụ; quản lý chặt chẽ chất lượng con giống. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra phân loại các cơ sở sản xuất giống, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Hoàn thiện và sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn VietGAP áp dụng cho các trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hướng dẫn đăng ký, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện…

Bộ trưởng cũng chỉ thị thành lập nhóm nghiên cứu tác nhân gây bệnh để sớm đưa ra phác đồ phòng và trị bệnh hướng dẫn cho người nuôi. Bên cạnh đó, triển khai đề án tăng cường năng lực bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, ban hành hướng dẫn quy trình và phương pháp quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh cho các địa phương.

ĐD

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm