Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân

Thứ bảy, 19/05/2012 - 18:36

(Thanh tra) - Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm đang diễn ra ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều đáng lo ngại hơn, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ gây thiệt hại nặng như năm 2011 nhưng đến nay các nhà khoa học cũng như các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân.

Dịch bệnh trên tôm ở Tiền Giang đang diễn biến hết sức phức tạp

Tôm bị chết trên diện rộng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 550 ha tôm bị chết, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Đầm Dơi (234 ha) và huyện Phú Tân (215 ha).

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNNT Bạc Liêu cho biết, hiện tỉnh mới thả nuôi được hơn 4.500 ha tôm sú nhưng đã có khoảng 800 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn do một loại bệnh lạ chưa từng có từ trước đến nay.

Tại Sóc Trăng, Sở NN&PTNT cũng cho biết có khoảng 2.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại.

Tại Trà Vinh, ông Phạm Minh Truyền, Chi cục Trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản cũng cho biết, toàn tỉnh đã có gần 6.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại (hơn 28% diện tích) với 37% lượng giống thả nuôi bị chết, giá trị lên tới 500 tỷ đồng.

Bến Tre có diện tích nuôi tôm tập trung tại 2 huyện ven biển là Bình Đại và Ba Tri. Đến nay, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại của huyện Bình Đại chiếm tới 33% trong tổng số hơn 1.000 ha. Tình trạng dịch bệnh cũng không kém tại huyện Ba Tri khi một số xã của địa phương này có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tới 95%.

Tiền Giang cũng đã thả nuôi tôm trên diện tích 3.490 ha, đạt 83% kế hoạch và tăng 196 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 446 ha tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị chết (chiếm hơn 30% diện tích thả nuôi), tăng 194 ha (76%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên địa bàn tỉnh Long An, diện tích nuôi tôm nước lợ đến thời điểm này chỉ mới đạt 36% kế hoạch với tổng diện tích thả nuôi hơn 2.300 ha . Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đã có khoảng 500 ha tôm nuôi bị chết (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) tập trung ở huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước.


Chưa rõ nguyên nhân


Nông dân đang ra sức chăm sóc những ao tôm còn lại của mình. (Ảnh chụp tại xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang)


Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, năm 2012 tình hình dịch bệnh trên tôm tại các tỉnh ĐBSCL có diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, gây thiệt hại nặng nề như năm 2011.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản thừa nhận: Nếu như trước đây Cypermethrin được kết luận là nguyên nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan tụy thì hiện nay tôm chết do hoại tử gan tụy xảy ra ở cả những nơi không hề dùng các loại hóa chất diệt giáp xác có thành phần Cypermethrin. Điều này đang khiến các nhà khoa học “đau đầu”.

Ông Dương Văn Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy cho biết: Đối với các ao tôm bị thiệt hại trong năm nay, tôm chết nhanh trong 2 ngày ở giai đoạn khoảng 20 ngày tuổi với hầu hết tôm có biểu hiện gan tụy bị hoại tử, đốm trắng. Theo báo cáo của các địa phương, tôm thường chết ở các vùng có độ mặn cao, nuôi thâm canh nhiều năm. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài xen lẫn những cơn mưa trái mùa làm thay đổi đột ngột môi trường nước khiến tôm bị “sốc”.

Vừa qua, Sở NN&PTNT Bến Tre đã tổ chức hội thảo tìm nguyên nhân gây chết tôm và tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, theo ông Lê Phong Hải, Giám đốc
Sở NN&PTNT Bến Tre, qua hội thảo vẫn chưa kết luận nguyên nhân nào gây chết tôm hàng loạt.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, ngành nông nghiệp đã kết hợp với Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) để cùng tìm nguyên nhân gây chết hàng loạt trên tôm sú nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo ông Nguyễn Vũ Phương, Chi cục Phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, khó có thể kết luận con giống là nguyên nhân chính gây dịch bệnh trên tôm, bởi cùng một lô giống nhưng thả ở các ao tôm khác nhau thì ao bị bệnh và ao không bị bệnh. Để có kết luận chính thức chỉ chờ các nhà khoa học vào cuộc.

Giải cứu người nuôi tôm

Trước những khó khăn do dịch bệnh xảy ra, để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh và gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, các cơ quan chức năng các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để hạn chế dịch bệnh lây lan và hỗ trợ người nuôi tôm.

Hiện Sở NN&PTNT Bạc Liêu đang khuyến cáo người nuôi tôm không nên vội thả giống ngay mà chờ mưa xuống mới tiếp tục thả nuôi.

Cuối tháng 4/2012, Bến Tre đã khuyến cáo người nuôi tôm tạm ngưng thả con giống trong khoảng thời gian một tháng. Để dập dịch triệt để, tỉnh Bến Tre đã thực hiện chính sách hỗ trợ 100% hóa chất cho tất cả những hộ nuôi tôm bị dịch bệnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người nuôi tôm. Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 hỗ trợ tỉnh xác định nguyên nhân gây chết tôm, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh công bố dịch ở những vùng bị thiệt hại trên 30% và có nguy cơ bùng phát dịch.

Tỉnh Trà Vinh đã ban hành quy trình cải tạo ao nuôi tôm sú bị thiệt hại và quy trình kỹ thuật chăm sóc tôm sú giai đoạn sau một tháng tuổi nhằm hạn chế dịch bệnh. UBND tỉnh cũng hỗ trợ 40 tấn hóa chất cho nông dân để thực hiện dập dịch. Đặc biệt, ngày 20/4, UBND tỉnh công bố dịch bệnh thủy sản với hội chứng hoại tử gan tụy ở huyện Cầu Ngang.

Tại Tiền Giang, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm thông tin tình hình dịch bệnh để có những giải pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền việc không sử các hóa chất cấm (Cypermethrin, Deltamethrin), tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc sử dụng các sản phẩm chứa các hóa chất kháng sinh cấm, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nuôi tôm…

Để hỗ trợ cho các địa phương, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Bộ NN&PTNT đã cử hai đoàn công tác tăng cường vào phía Nam bám địa bàn. Hiện Bộ cũng đang gấp rút thành lập đoàn gồm những nhà khoa học đầu ngành để tiến hành xác định nguyên nhân gây chết tôm.

Thành Công

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

(Thanh tra) - Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch tăng lượng hàng nhập lên 10 - 20% (tùy từng mặt hàng) so với dịp Tết năm 2024.

CB

12:33 12/12/2024
SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm