Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường bất động sản sẽ ấm lên

Thứ năm, 24/01/2013 - 23:56

(Thanh tra)- Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong phiên giải trình trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS), diễn ra sáng 24/1, tại Hà Nội.

Năm 2012, thị trường BĐS vẫn chưa “rã băng”

Thị trường chưa “rã băng”

Đánh giá tình hình thị trường BĐS và việc triển khai các dự án phát triển nhà ở trong năm 2012, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định vẫn tiếp tục khó khăn, giá cả BĐS nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường.

Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng (NH), thu ngân sách Nhà nước, gây đình trệ sản xuất...

Theo báo cáo của NH Nhà nước, dư nợ tín dụng BĐS tính đến ngày 31/10/2012 khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm 31/12/2011. Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ BĐS, nhưng đại đa số DN nợ BĐS khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Thường trực Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội) đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương liên quan đến đâu? Mức độ và giải pháp như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Trách nhiệm trước hết thuộc Bộ Xây dựng do chưa kịp thời trong việc xây dựng các văn bản để bổ sung, tổng kết, xây dựng quy trình quy phạm trình cơ quan thẩm quyền ban hành; cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng trên. “Giải quyết tồn kho chỉ là cái ngọn, nhưng hy vọng sẽ từng bước tháo gỡ được khó khăn trước mắt. Về lâu dài, tháo gỡ phải đạt được mục tiêu cân đối cung - cầu, thị trường hoạt động phải đáp ứng nhu cầu của người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cần giải pháp đủ mạnh

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực của thị trường BĐS trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã xây dựng các giải pháp, đề xuất Quốc hội và Chính phủ thông qua để thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung - cầu; tín dụng và giải quyết nợ xấu; chính sách tài khoá và thuế…

Điển hình là, gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho các DN đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở; DN được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội xuống còn 5% để người mua nhà được hưởng lợi và tạo điều kiện cho DN giảm giá bán; giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại đối với những căn hộ dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 trong thời hạn 12 tháng, kể từ 1/7/2013.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn vì một số giải pháp chưa thuyết phục, chưa đủ mạnh. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Uỷ viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đặt vấn đề: Tất cả giải pháp nêu số liệu đã đủ tin cậy chưa? Cách điều hành có gì mới? Cách quản lý như thế nào để chặn được đầu cơ? 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà (Uỷ viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, cần quan tâm cho phía cầu, vì đây là đối tượng cần được đầu tư, lâu nay tác động nhiều vào cung quá, nên chưa hiệu quả. Đại biểu đề xuất, không nên đặt nặng về thu tiền sử dụng đất 1 lần mà thu tiền thuế đất trong vòng 50 năm kích cầu cho người mua, như vậy sẽ giảm tiền mua nhà lần đầu xuống.

Giải đáp những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Giải pháp đưa ra là đồng bộ liên quan đến cả ngắn hạn và lâu dài. Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp, đặc biệt hoàn thiện việc thể chế hóa, đề xuất sửa luật phân rõ các nguồn vốn khác nhau sẽ có chính sách khác nhau; sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS; cụ thể hóa Chiến lược Nhà ở đã được Chính phủ thông qua; tập trung rà soát phối hợp các bộ, ngành, địa phương đưa ra ngoài những dự án, kế hoạch thừa, không phù hợp. Vai trò của Bộ Xây dựng sẽ can thiệp thêm để tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng địa phương khắc phục kiểu phát triển dự án phong trào; tập trung xây dựng tiêu chí, thông tư về các thủ tục hành chính; hỗ trợ người dân xây dựng tiêu chí vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, phù hợp với khả năng... “Năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp trên sẽ làm ấm dần thị trường BĐS trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm