Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sớm đưa làng nghề Mẫn Xá vào cụm công nghiệp

Thứ năm, 16/05/2013 - 09:25

(Thanh tra)- Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề cô đúc, tái chế nhôm truyền thống. Nghề này đã giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, nếu không sớm quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề thì cái “mất” chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với cái “được” mà nghề đúc, tái chế nhôm đem lại.

Phế thải đổ tràn lan khắp đường làng Mẫn Xá. Ảnh: Trần Quý

Trước đây, người Mẫn Xá đi khắp nơi đúc xoong thuê. Từ khi đồ inox, nhựa ra đời thì nghề đúc xoong nồi, mâm chậu không còn thịnh nữa nên họ chuyển sang nghề tái chế nhôm, sản xuất các chi tiết máy móc, đồ gia dụng. Hiện, làng có 400/600 hộ và 30 doanh nghiệp (DN) làm nghề tái chế nhôm. Theo ước tính, mỗi ngày, tại làng nghề cho ra lò hàng trăm tấn nhôm thành phẩm, trị giá hàng tỷ đồng. “Nhờ nghề này mà người dân nơi đây có miếng ăn, của để. Hầu hết các hộ trong thôn đều có đời sống ổn định, sung túc, nhiều hộ xây được nhà cao tầng, sắm được nhiều phương tiện đắt tiền phục vụ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt”, ông Mẫn Văn Năm, người dân trong làng nói.

Điều đáng nói là, do sản xuất  theo kiểu “mạnh ai nhà ấy làm”, nên gây ô nhiễm môi trường. Hộ sản xuất nhiều có tới 4 - 5 lò, hộ ít thì 1 - 3 lò. Trung bình 1 ngày, cả làng đốt hàng trăm tấn than, dầu. Nguyên liệu chính của nghề tái chế nhôm là lon bia, nước giải khát, các phế liệu bằng nhôm nên khi cho vào lò luyện có mùi khét rất khó chịu.

Chịu hậu quả nhiều nhất là những người trực tiếp đứng lò, hứng đủ các tạp chất, trong môi trường nóng bức. Anh Nguyễn Văn Nam, 1 phu lò chuyên nấu phôi nhôm cho biết, ngày công tuy cao 500 - 600 ngàn đồng, nhưng rất nguy hại về sức khỏe vì suốt ngày phải lao động trong môi trường nhiệt độ cao, khí thải độc hại, trong khi đồ bảo hộ không bảo đảm.

Nguy hại là thế, song theo ông Nguyễn Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Văn Môn, trong số 30 DN sản xuất lớn mới có 4 DN lắp đặt hệ thống giảm thiểu khí thải độc hại, đạt tiêu chuẩn nào thì chưa được kiểm định. Còn các hộ thì tái chế nhôm theo kiểu “tay bo”, chỉ sơ sài khẩu trang và kính bảo hộ.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, các chỉ số BOD, COD, kim loại nặng… tại Mẫn Xá cao hơn mức cho phép hàng chục lần. 

Bác sỹ Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Văn Môn, cho biết, không cần quan trắc bằng thiết bị máy móc mà bằng mắt thường cũng thấy rõ mức độ ô nhiễm của làng nghề. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, đường tiêu hóa, bệnh phổi, ung thư phổi, gan… ở làng nghề tái chế nhôm cao hơn các làng nghề khác trong xã. “Để tránh được nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trước mắt người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, đồ bảo hộ trong lúc đứng lò, đổ phế thải đúng nơi quy định. Về lâu dài cần quy hoạch một khu công nghiệp làng nghề để sản xuất tập trung có hệ thống xử lý về môi trường”, ông Duy khuyến nghị.

Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề 25ha theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của xã. UBND huyện Yên Phong đã giao cho Phòng Công thương giúp xã lập hồ sơ dự án xây dựng theo quy định pháp luật. UBND xã cũng đang họp chọn nhà đầu tư và nhà tư vấn khảo sát thiết kế, giới thiệu địa điểm lập dự án.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân Mẫn Xá đều nhận thức được tình trạng ô nhiễm nhưng vẫn chấp nhận “sống chung với ô nhiễm” để được sản xuất tại nhà. Lý do là địa điểm quy hoạch cách xa làng, không tiện cho việc sản xuất, chuyên chở. Hơn nữa, vào cụm thì phải mất một khoản đầu tư khá lớn mà sản xuất nhôm chỉ theo thời vụ, đầu ra rất bấp bênh, nếu hàng không tiêu thụ được người dân không đủ khả năng thu hồi.

Để tạo sự đồng lòng thực hiện chủ trương vào sản xuất tại cụm công nghiệp, rõ ràng các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân Mẫn Xá nhận thức được sự cần thiết trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề cũng bảo vệ môi trường. 

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm