Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sản phẩm có nguồn gốc thủy sản bền vững ngày càng được ưa chuộng

Thứ sáu, 10/06/2011 - 19:33

(Thanh tra) - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các nhà cung cấp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ khi mua sản phẩm thủy sản. Số sản phẩm được dán nhãn MSC (nhãn sinh thái của Hội đồng Quản lý Biển) trên thế giới hiện nay đã tăng gấp đôi kể từ tháng 4/2010. Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đã phát động chiến dịch “Đấu tranh vì nghề cá” nhằm tiến đến một phương thức khai thác bền vững hơn.

Đánh bắt cá ngừ đại dương

Nhãn sinh thái màu xanh của MSC đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc thủy sản bền vững và được quản lý tốt, giúp người tiêu dùng lựa chọn theo hướng bền vững khi mua thủy sản. Có thể nhìn thấy nhãn này ở các sản phẩm lưu hành trên toàn thế giới. Nghiên cứu gần đây về ý thức của người tiêu dùng Đức cho thấy quyết định mua thủy sản của họ phần lớn liên quan đến nhận thức về nhãn sinh thái MSC.

Hội đồng quản lý biển (MSC- Marine Stewardship Council) được thành lập năm 1997 để thúc đẩy các giải pháp hạn chế việc khai thác quá mức nguồn lợi thuỷ sản. Đây là thành viên được thế giới công nhận về phương diện: quản lý, khôi phục nguồn lợi thuỷ sản. Đây là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động độc lập, nhằm mục tiêu và chứng nhận nghề cá có trách nhiệm với môi trường.
Những nghề cá/ngư trường nào được chấp nhận MSC thì đó là nghề cá khai thác bảo đảm duy trì lâu dài nguồn lợi thuỷ sản, trên cơ sở có hệ thống quản lý tốt. Chứng chỉ MSC là một loại hình “giấy thông hành” cho các sản phẩm có nguồn gốc từ hải sản khai thác từ tự nhiên khi tiếp cận với các thị trường Âu – Mỹ.
Một kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy 52% số người tham gia khảo sát đã nhận biết được nhãn sinh thái MSC. Để cho kết quả khảo sát trung thực, tất cả phần viết trên nhãn sinh thái được bỏ đi. Hơn nữa, 22% số người tham gia tiếp tục xác định chính xác nhãn sinh thái (không cần phần viết trên đó) vì họ nhận ra được dấu hiệu của một sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản khai thác bền vững. Các con số trên tăng mạnh so với các kết quả khảo sát năm 2010 (lần lượt là 36% và 17%). Có 27% số người tham gia khảo sát (tăng từ 19% của năm 2010) cho rằng họ chỉ mua thủy sản từ các nguồn bền vững bất kể giá cả và chất lượng thế nào. Kết quả khảo sát năm 2010 của MSC về nhận thức của người tiêu dùng đối với nhãn sinh thái MSC cho thấy trong số 6 thị trường chính được khảo sát, có 23% số người trưởng thành có nhận thức về nhãn sinh thái MSC, tăng từ 9% của năm 2008.

Số sản phẩm được dán nhãn MSC trên thế giới hiện nay đã tăng gấp đôi kể từ tháng 4/2010. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà cung cấp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ khi mua sản phẩm thủy sản.

Từ cuối năm 2010, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đã phát động chiến dịch “Đấu tranh vì nghề cá” nhằm giảm bớt tình trạng khai thác cạn kiệt của nghề cá Châu Âu và tiến đến một phương thức khai thác bền vững hơn. Năm 2011, chiến dịch được triển khai tại 4 nước là Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan và Đức, với hy vọng sẽ được những nhân vật nổi tiếng tại các nước này ủng hộ ý tưởng mở rộng chiến dịch.
 
Bà Maria Damanaki, Cao ủy phụ trách nghề cá của EC phát biểu “Chúng ta không thể giữ nguyên phương thức khai thác cũ. Đây không đơn giản là một sự lựa chọn mà chúng ta cần thay đổi thật sự để có thể giảm khối lượng khai thác mà vẫn tăng lợi nhuận vì hiện trữ lượng thủy sản của Châu Âu đang suy giảm”


ĐD

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm