Nhìn vào bảng thống kê các sáng kiến khoa học, Đặng Xuân Phương đã hoàn thành 24 sáng kiến trong vòng 7 năm. Có lẽ ít ai nghĩ, khi đó anh vừa là Phó Giám đốc, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Thuốc lá Thăng Long (Cty Thuốc lá Thăng Long), vừa là Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam. Có thể kể đến nhiều sáng kiến có ý nghĩa quan trọng như: Thiết kế chế tạo máy gia liệu sợi cuộng, bổ sung cho dây chuyền chế biến sợi nhằm ổn định, cải tiến chất lượng và tăng tỷ lệ sử dụng sợi cuộng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, hạ giá thành; nghiên cứu sản xuất sản phẩm Lionger có chất lượng cao theo yêu cầu của khách hàng phục vụ xuất khẩu, nâng cao uy tín của Cty, tạo ra sản phẩm mới có yêu cầu kỹ thuật cao; thiết kế chế tạo vào lắp đặt hệ thống giảm thanh, thùng hút, lọc bụi cho máy Prots và dây chuyền Hongta, thay thế thiết bị nhập khẩu, giảm chi phí đầu tư hàng tỷ đồng; áp dụng tiến bộ khoa học trong ngành Thuốc lá, sử dụng nguyên liệu thuốc lá tấm vào công thức phối chế các sản phẩm, giảm tar và nicotin; thiết kế sản phẩm mới Thăng Long bao cứng, thiết kế mẫu mã bao bì, phối chế mác sản phẩm Thăng Long đưa vào sản xuất, ổn định sản xuất tại 2 phân xưởng, giảm áp lực sản lượng Thăng Long bao mềm góp phần bình ổn giá thị trưởng và nâng cao thương hiệu của Cty.Anh Phương tâm sự: “Năm 1983, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư máy, tôi được phân công về công tác tại Nhà máy Thuốc lá. Khi đó, ở miền Bắc, các nhà máy thuốc lá đã phải vượt qua những khó khăn khắc nghiệt: Nguyên liệu không đủ, toàn bộ hệ thống máy móc đã rệu rã sau chiến tranh, phụ tùng thay thế cũng như các phụ liệu thiếu; ngoài ra còn thiếu điện, thiếu dầu, thiếu than... Đối diện với cuộc sống khó khăn và đối diện với cách làm khoán sản phẩm, tôi chỉ nghĩ làm thế nào để có một môi trường làm việc tốt, giải phóng được sức lao động, sáng tạo của mỗi thành viên trong nhà máy. Đó là lý do vì sao khi có điều kiện, điều đầu tiên tôi làm được cho chính mình và công nhân của mình là sáng kiến khoa học về cải tạo hệ thống điều hòa không khí khu vực sản xuất thuốc lá đầu lọc; cải tạo chi tiết phụ tùng và căn chỉnh máy cuốn Decoufle chạy sáp vàng 60, phục vụ sản xuất xuất khẩu.Một thực tế của ngành sản xuất thuốc lá cũng khiến tôi phải trăn trở, đó là tình trạng thuốc lá nhập lậu ngày càng nhiều. Đầu những năm 1990, thuốc lá nhập lậu ước tính 150 - 200 triệu bao/năm, gây khó khăn cho việc quản lý sản xuất và lưu thông thuốc lá, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Để giải bài toán này, Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam đã chú trọng tìm đối tác đầu tư toàn diện từ khâu trồng, chế biến, xuất khẩu nguyên liệu đến khâu sản xuất thuốc điếu, đã bước đầu đàm phán với các tập đoàn thuốc lá lớn trên thế giới như B.A.T, Philip Morris, Rothman, Intabex... và đàm phán với New Toyo, Leigh Mardon về sản xuất và in bao bì thuốc lá điếu, giấy sáp vàng... Do vậy, khi điều hành Cty Thuốc lá Thăng Long, tôi đã dành mọi tâm huyết cho việc mở rộng thị trường, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu trên thị trường, tạo sức sống cho sản phẩm”.Chia tay chúng tôi, anh trầm giọng: “Trong mấy chục năm gắn bó, kỷ niệm không khi nào phai mờ trong tâm trí tôi, đó là những lần đi chúc Tết anh em công nhân. Trước mặt đông đảo quan khách và lãnh đạo bộ chủ quản, các công nhân nhảy lên ôm đầu, ôm cổ mình, chia sẻ tâm tư tình cảm, coi mình như một thành viên gắn bó máu thịt”. Có thể, có những “chiêu độc” để “cứu” thương hiệu, sản phẩm của cả ngành Thuốc lá mà Đặng Xuân Phương quyết làm vì lý do này, lý do kia chưa thành công, nhưng tôi biết, cả đời mình, anh không phải hổ thẹn với từng công nhân của mình. Có lẽ, một phần điều đó là vì anh có cùng xuất phát điểm để hiểu được những vất vả và trăn trở của mỗi công nhân. Nhưng, cao hơn, chữ DUYÊN trong đời mà tôi nhắc đến ở đầu bài đối với người đàn ông này, còn nằm ở chỗ, anh đã vì quyền lợi của tập thể công nhân của mình mà phấn đấu. 4 năm liền, từ 2007 - 2010, Đặng Xuân Phương được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 19/5/2012, nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn Bộ Công thương đã trao Bằng khen Lao động sáng tạo giai đoạn 2007 - 2012 cho Đặng Xuân Phương. Ý kiến: Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Cty TNHH Thuốc lá Thăng Long: Anh Phương được hàng nghìn cán bộ công nhân viên của Thăng Long yêu mến và kính trọng không phải chỉ bởi khả năng sáng tạo trong khoa học. Anh Phương còn rất quyết liệt trong công việc. Còn nhớ những năm 2006 - 2007, khi đưa cả Cty vào một nền nếp sản xuất mới với định mức vật tư, định biên lao, đưa công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh… anh Phương đã vấp phải sự phản ứng của số đông công nhân trước nay vẫn quen nền nếp làm việc theo lối cũ. Nhưng, thời gian đã chứng minh anh Phương đúng. Nhờ có nền nếp đó mà Cty Thuốc lá Thăng Long đã vững vàng được trong cuộc khủng hoảng của nền kinh tế và trở đơn vị mạnh vào hàng đầu của Tổng Cty như hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Cty Thuốc lá Thăng Long: Làm việc cùng nhau khoảng 30 năm, tôi luôn nhận thấy, ở mọi cương vị, anh Phương rất quyết đoán, cương trực, thẳng thắn, sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Trong thời buổi khó khăn của nền kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều công trình sáng tạo của anh Phương giữ vai trò thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Cty, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Anh Đặng Minh Cương, công nhân Cơ khí bậc 5: Tôi được làm việc với anh Phương từ năm 1992. Trong 20 năm qua, tôi thấy đây là người anh tận tụy với công việc. Xuất thân từ kỹ sư cơ khí, tay nghề kỹ thuật giỏi cùng với sự tìm tòi sáng tạo, anh Phương đã có nhiều công trình khoa học lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty. Điều quan trọng nữa, anh Phương đã tạo được một phong trào nghiên cứu, sáng tạo ở mọi thành viên trong Cty, khuyến khích mọi lao động được phát huy sáng kiến, tinh thần sáng tạo. Đồng thời, quan tâm, giúp đỡ người lao động có điều kiện học hỏi, trau dồi chuyên môn, kĩ thuật nâng cao tay nghề bảo đảm cuộc sống tốt hơn. Dung Anh