Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 20/01/2011 - 20:27
(Thanh tra)- Lợi dụng sơ hở, bất cập trong quản lí Nhà nước, nhiều Doanh nghiệp (DN) FDI đã dùng chiêu chuyển giá lòng vòng để gian lận, trốn thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước và dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa các DN này với DN trong nước.
Nhiều chiêu lách thuế ngoạn mục
Bộ Công thương cho biết, hiện có đến 20 - 30% trong tổng số DN FDI đang hoạt động trên các địa bàn kê khai có kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm. Theo các quy định hiện hành, nếu kinh doanh thua lỗ, DN đó sẽ tránh được việc nộp thuế, phí. Nhưng, nghịch lý ở chỗ dù lỗ triền miên, nhưng các DN đó vẫn liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, đây là biểu hiện của tình trạng lợi dụng việc chuyển giá để gian lận, trốn thuế. Các DN FDI đã dùng những phương thức khác nhau để trốn tránh các khoản thuế, phí thông qua việc báo lỗ trong hoạt động kinh doanh, sau đó chuyển lợi nhuận về Cty mẹ ở nước ngoài. Chiêu ngoạn mục nhất và phổ biến hơn cả là việc kê giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhằm triệt tiêu lợi nhuận tính thuế. Ngoài ra, để “biến” lãi thành lỗ thông qua hình thức chuyển giá, DN FDI không thể làm riêng lẻ mà hoạt động trong cùng tập đoàn hoặc liên kết thành từng nhóm. Từ đó, các DN này tự dàn xếp với nhau thông qua các giao dịch liên kết nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận mà không phải bỏ thêm vốn hay mở rộng sản xuất.
Chẳng hạn, DN kê khai giá bán hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị liên kết thấp hơn giá bán cho các DN giao dịch độc lập để giảm doanh thu. Còn, giá mua hàng hóa của Cty mẹ ở nước ngoài, thì các DN FDI thường kê cao hơn so với giá mua từ các Cty nước ngoài khác, hoặc từ những thị trường khác để đẩy chi phí lên cao. Đặc biệt, nhiều DN xuất khẩu được Cty mẹ ở nước ngoài bao tiêu sản phẩm với giá thu mua thấp hơn giá thành sản phẩm, rồi khẳng định sự tồn tại của mình bằng động thái Cty mẹ bơm thêm vốn hoặc cho vay không tính lãi. Trong khi đó, lãi vay được ghi là chi phí nhưng thường chưa chi trả, trả chậm hoặc lãi chưa trả cộng với vốn vay. Lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ về khoản trả lãi vay trong việc xác định chi phí khi tính thuế thu nhập, DN đã làm giảm thu nhập tính thuế, hoặc biến lãi vay thành chi phí để có được kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục trong nhiều năm.
Do cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí tiền lương, khó xác định các phí dịch vụ, quản lý, tư vấn… mà người nước ngoài thực hiện, nên DN trả lương cho người lao động nước ngoài cao ngất ngưởng, nhưng thực chất người đó là nhân viên của Cty mẹ. Đối với lao động trong nước, DN kê khai số tiền lương chi trả cao hơn tổng doanh thu gia công hàng hóa để tăng chi phí kinh doanh, làm cơ sở báo lỗ. Một số DN khác thì bắt tay với đối tác nước ngoài nâng số tiền chênh lệch sang tiền hàng ứng trước, nhằm qua mặt cơ quan thuế. Điều đáng quan tâm là, việc mua - bán hàng hóa, chuyển giá lòng vòng giữa các Cty cùng tập đoàn này không chỉ biến lãi thành lỗ để trốn thuế, mà ngược lại, có thể tạo ra kết quả kinh doanh tốt ảo nhằm thu hút sự chú ý khi DN niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, gây bất lợi cho nhà đầu tư.
Lỗ giả, lãi thật
Tại TP HCM, nơi có số lượng DN FDI đang hoạt động nhiều nhất, trong năm 2010, Cục
Thuế TP đã thanh tra 209 DN kê khai lỗ. Kết quả cơ quan thuế đã điều chỉnh giảm lỗ 2.570 tỷ đồng, truy thu và xử phạt DN hơn 484 tỉ đồng. Riêng, 90 DN khai lỗ nhiều năm liên tục, thanh tra thuế đã điều chỉnh giảm lỗ 1.637 tỷ đồng, truy thu và xử phạt 360,9 tỷ đồng. Trong khi đó, thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM cho biết, năm 2010 có đến 40% trong số 400 DN nước ngoài báo lỗ, trong đó 38 DN lỗ 3 năm liền, 8 DN lỗ vốn chủ sở hữu.
Trước đó, hàng loạt DN cũng khai lỗ nhiều năm liền như: Cty Philip Morris khai lỗ từ năm 1994 - 2009 là 285,3 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 10,8 tỷ đồng. Cty Thuốc lá quốc tế JTI khai lỗ từ năm 2001 - 2007 số tiền 305,9 tỷ đồng, song số vốn hoạt động chỉ gần 3 tỷ đồng. Hoặc, Cty B.A.T với vốn chủ sở hữu chỉ trên 476 tỷ đồng, nhưng công ty này khai lỗ từ năm 2001 là 1.157 tỷ đồng. Tuy khai lỗ nhiều năm, không phát sinh số tiền thuế phải nộp, xin hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền lớn, nhưng các DN này vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, liên kết với nhiều đơn vị khác.
Báo cáo của nhiều địa phương khác cũng cho thấy, có đến 40 - 50% số DN FDI lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Kết quả thanh tra năm 2010 ngành thuế cả nước đã trưng thu khoảng 1.400 tỷ đồng do DN lỗ giả lãi thật.
Cần biện pháp chế tài
Mặc dù, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính… đã tích cực trong việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra để hạn chế việc chuyển giá, nhưng việc chống chuyển giá vẫn vô cùng khó khăn. Thông tư số 117/2005/TT của Bộ Tài chính ban hành tháng 12/2005 đã có quy định cơ bản về thủ thuật chuyển giá và những yêu cầu về mặt cung cấp tài liệu, nhưng nhiều DN vẫn lờ đi những yêu cầu này và thậm chí, chỉ nộp những tài liệu bắt buộc đối với báo cáo về những giao dịch với các bên liên quan. Do đó, việc xác định giá trị thiết bị, nguyên vật liệu từ Cty mẹ nhìn trên giấy tờ không dễ do không nắm được xuất xứ hàng hóa. Thêm vào đó, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc áp định bảng giá tối thiểu làm căn cứ để xác định thuế đã phải hủy bỏ và cơ quan quản lý phải chuyển sang xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn dẫn đến quá trình triển khai về thanh tra, kiểm tra rất khó khăn.
Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về chống chuyển giá, đại diện các tổ chức tài chính, kiểm toán quốc tế khuyến cáo, đây là vấn đề rất đáng quan tâm và cần có những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn. Không chỉ Việt Nam, DN ở quốc gia nào cũng thế, họ luôn có “giải pháp” là tránh thuế và tối ưu hóa lợi nhuận, nếu xảy ra nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng rất bất lợi nhiều mặt cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác quản lý Nhà nước, cơ quan thuế, tài chính… phải kiểm soát được tình hình.
Trước mắt, Nhà nước cần nghiên cứu ban hành quy định DN có quan hệ kinh doanh liên kết không phát sinh thu nhập tính thuế trong 3 năm sẽ nộp thuế theo tỷ lệ nhất định; có biện pháp chế tài đối với DN cố tình kê khai lỗ liên tục nhiều năm, nhất là DN đã lỗ mất vốn cần thu hồi giấy phép nhằm răn đe các DN khác. Mặt khác, Tổng cục Thuế cần tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về chuyển giá cho cán bộ ngành Thuế, thông báo kịp thời về giá cả thị trường, tỷ suất lợi nhuận các ngành nghề trên cả nước để cơ quan thuế địa phương tham khảo áp dụng. Riêng các DN lớn, Tổng cục Thuế trực tiếp tổ chức thanh tra chống chuyển giá, sau đó đúc kết kinh nghiệm cho cục thuế các tỉnh, TP học tập. Chỉ cần làm 2 - 3 DN điểm, làm đúng thì DN sẽ phải thay đổi.
Trần Danh Thái
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Chu Tuấn
18:30 12/12/2024(Thanh tra) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, quá trình thực hiện, được giao bổ sung 18.815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ GTVT là 75.481 tỷ đồng.
Trần Quý
18:29 12/12/2024Trần Quý
18:28 12/12/2024Kim Thành
18:27 12/12/2024Nhật Vượng
17:41 12/12/2024PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý
Trần Quý
Kim Thành
Thái Hải
Ngọc Phó
Nam Dũng
Đông Hà
TC
Hải Hà