Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành da giày: Tiềm ẩn áp lực cạnh tranh mới

Thứ ba, 05/04/2011 - 06:56

(Thanh tra)- Kể từ ngày 1/4/2011, sau 4 năm áp thuế chống bán phá giá các mặt hàng da giày của Việt Nam, Ủy ban Châu Âu (EC) đã chính thức bãi bỏ việc áp thuế này. Dù khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng đây là cơ hội mở ra cho ngành giày da trong việc tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Áp lực cạnh tranh mới
    
Việt Nam hiện đang là nước cung cấp sản phẩm da giày đứng hàng thứ 4 và là 1 trong 10 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Năm 2010 và những tháng đầu năm nay, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là các thị trường chính như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ chưa có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày vẫn tăng khá. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,09 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với năm trước.
Tuy nhiên, khi thuế chống bán phá giá của Việt Nam và Trung Quốc cùng được dỡ bỏ, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi cạnh tranh với sản phẩm da giày của Trung Quốc.
 
Một đại diện của Lefaso chia sẻ, dù đang có nhiều triển vọng phát triển, nhưng ngành Da giày vẫn còn tiềm ẩn vấn đề như: Thiếu nguyên liệu, nguồn nhân lực không ổn định và sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu da giày. Khi dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, các DN Việt Nam phải thận trọng vì EU tiếp tục giám sát chặt chẽ đối với các mặt hàng da giày Việt Nam. Vì thế, DN Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và hướng đến những phân khúc thị trường phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Nâng cao chất lượng


Bộ Công thương khẳng định, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam sẽ đạt 9,1 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ đạt 14,5 tỷ USD. Như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành nước có năng lực sản xuất ngành Da giày đứng hàng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và duy trì vị trí nước có sản lượng xuất khẩu đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc.


Bộ Công thương đã có Quyết định số 6209/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với tổng vốn đầu tư của toàn ngành là 59.570 tỷ đồng. Điểm nổi bật của Chiến lược này là tập trung nâng cao khả năng thiết kế mẫu mã sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu và tăng cường xúc tiến thương mại. Ngoài các mặt hàng chủ lực là giày dép, Chiến lược tập trung phát triển giày dép da thời trang và cặp, túi, ví chất lượng cao để thâm nhập những thị trường cao cấp trên thế giới và nội địa.
     
Để thực hiện được mục tiêu trên, một trong những yêu cầu đặt ra là các DN trong ngành cần cập nhật thường xuyên tiếp cận thông tin từ các thị trường nhập khẩu, tận dụng được cơ hội, đặc biệt là phải nhanh chóng đưa ra những quyết định đúng đắn về sự phát triển của ngành. Sở dĩ lợi thế ngành Da giày Việt Nam bị giảm sút trong thời gian qua do sự hiểu biết của DN nước ta về thị trường châu Âu quá ít, đã để nhiều đơn hàng lớn rơi vào tay DN Trung Quốc. Việc thiếu thông tin cũng là lý do khiến ngành Da giày đứng thứ 2 trong 10 ngành hàng xuất khẩu của nước ta từ năm 1994 đến nay, bị kiện bán phá giá. Các vụ kiện này đã tác động xấu đến DN, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu chung của ngành và lợi nhuận của DN.
    
Thực tế cho thấy, mặc dù sản lượng giày mũ da xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, nhưng khi bị áp thuế chống bán phá giá, đã có tác động lớn đến các mặt hàng xuất khẩu khác, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng nước ta vào EU giảm 47%. Trong thời gian tới, khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU và Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, ngành Da giày Việt Nam sẽ hưởng được rất nhiều ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước này. Vì vậy, ngành Da giày Việt Nam phải tận dụng lợi thế để bứt phá. Đây là cơ hội không thể bỏ qua.

Minh Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm