Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2020: Du lịch Việt Nam có trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Chủ nhật, 30/10/2011 - 07:26

(Thanh tra) - Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, ngành Du lich tập trung chính vào thị trường nội địa với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm; phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu và Đông Âu, mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ…

TP. Hồ Chí Minh nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài

Chưa tương xứng và đồng đều
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Quy hoạch Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngành Du lịch đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Hoàn thành hệ thống các doanh nghiệp du lịch trên các lĩnh vực tương đối vững mạnh; du lịch phát triển góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn; thay đổi nhận thức của cộng đồng, các cấp, các ngành… Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Năm 2010, Việt Nam đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 28 triệu lượt khách nội địa. Thu nhập từ du lịch đạt khoảng 96 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2009, ước tính đóng góp 4,5% GDP. So với quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, xác định các mục tiêu cho các kế hoạch đón 9 triệu khách quốc tế, đến năm 2010, đạt 12% GDP. Như vậy, ngành Du lịch phát triển chưa tương xứng với mục tiêu đề ra.

Măt khác, hạ tầng du lịch (giao thông, nhà hàng, khách sạn…) nước ta phát triển chưa đồng đều, nơi thì quá thừa nơi thì quá thiếu. Phần lớn hạ tầng du lịch được tập trung phát triển tại các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long, Đà Lạt, Phan Thiết… chính yếu tố này cũng là rào cản cho những vùng mới phát triển.

Thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 1,4 triệu lao động hoạt  động trong ngành Du lịch, chiếm khoảng 2,5% lao động cả nước. Điều đáng chú ý là trong cơ cấu lao động ngành chỉ có khoảng 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Nhìn chung số lao động cần có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu vừa yếu.

Sản phẩm bị trùng lắp
Đến nay cả nước có 90 sân golf, nhưng cả nước chỉ có 5.000 thành viên chơi golf. Lượng khách quốc tế du lịch đến Việt Nam chơi golf còn quá thấp, vì sân golf ở nước ta không khác biệt với sân golf ở nước họ, nhưng hạ tầng phục vụ cho du khách thì quá kém. Đây là sự đầu tư sai định hướng và lãng phí quá lớn.

Sản phẩm du lịch “sông nước Cửu Long” là một trong những sản phẩm du lịch cũng bị trùng lắp nhiều nhất, hầu như tỉnh nào ở ĐBSCL cũng có chèo xuồng, nghe đờn ca tài tử, thăm và nghỉ dưỡng các vườn cây ăn trái tại các cù lao…

Dọc bờ biển miền Trung, đâu đâu cũng thấy khu du lịch, hệ thống resort, khách sạn cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển… nhưng chưa được đầu tư đúng mức, hoặc thiếu các loại hình thể thao biển được du khách quốc tế ưu chuộng như: Lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, dù lượn, câu cá… Tình trạng thiếu liên kết giữa các nhà đầu tư, giữa địa phương và địa phương, mạnh ai nấy làm, các sản phẩm du lịch thường giống nhau, không có sự khác biệt, đã làm cho du khách lưu trú ít hơn và không quay trở lại.

Giải pháp nào cho du lịch?
Cùng với tiêu chí chung của Đảng và Nhà nước đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, GDP bình quân đầu người phải đạt trên 5.000 USD/năm. Ngành Du lịch Việt Nam cũng phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 47,5 triệu lượt, mang lại doanh thu 19 tỷ USD. Đến năm 2030, đạt khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa và mang lại doanh thu trên 36 tỷ USD. Mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 được xác định là: Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hoá huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các vùng miền trong cả nước...

Để đạt được mục tiêu, các nhà quản lý du lịch đã đề ra các phương án phát triển du lịch: Không gian phát triển du lịch sẽ tập trung theo 7 vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đa dạng và phát huy thế mạnh từng vùng. Động lực phát triển du lịch vùng và địa phương cũng được xác định ở 39 khu du lịch quốc gia, 30 điểm du lịch quốc gia và 10 đô thị du lịch…; trọng tâm phát triển sản phẩm sẽ là du lịch biển đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao thương hiệu du lịch, cải thiện môi trường...

Trong nhóm giải pháp về vốn, cần tập trung tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển du lịch, huy động các nguồn lực tài chính trong nhân dân, của các tổ chức trong và ngoài nước để đảm bảo đủ nguồn vốn với cơ cấu 80% vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Đặc biệt, cần xây dựng tiêu chuẩn, và thực hiện tiêu chuẩn hoá một bước nhân lực ngành Du lịch phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch, đồng thời phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch.

                Hoàng Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm