Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Mừng, lo khi tăng lương

Trần Quý

Thứ hai, 01/07/2024 - 13:18

(Thanh tra) - Từ ngày hôm nay (1/7), lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); lương cho người nghỉ hưu tăng 15%. Đây là tin vui cho hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công, người nghỉ hưu, song cũng không ít nỗi lo khi phải đối mặt với giá cả tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Nỗi lo tăng lương, tăng giá. Ảnh: TQ

Mừng... vì lương tăng

Sau 15 năm, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, lương cơ sở tăng 30%, mức tăng cao nhất trong lịch sử là một tin vui với hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công, cán bộ hưu trí.

Anh Nguyễn Hải Đăng, một công chức công tác tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết, trước đây, mỗi tháng bình quân chỉ được nhận hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1/7 này, theo tính toán với mức điều chỉnh mới, anh Đăng sẽ được nâng lên trên 9 triệu đồng/tháng.

“Có thể nói đây là một niềm vui lớn khi có thêm một khoản chi tiêu cho cá nhân, gia đình”, anh Đăng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Tiến Nam, một công chức công tác tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, cho biết, việc Chính phủ tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công từ ngày 1/7/2024 từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng đã khích lệ, động viên tinh thần lao động cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hăng hái hơn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

“Việc được tăng thêm thu nhập, dù ít, hay nhiều cũng là niềm vui cho mọi người, trong đó có tôi”, anh Nam nói.

Trước lúc có quyết định tăng lương, giá cả đã rục rịch tăng. Ảnh: TQ

Lo... tăng giá

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho hay, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.

Số liệu thống kê là vậy, song thực tế cho thấy, giá cả có khi “nhảy múa” từ lúc có thông tin tăng lương.

Bà Nguyễn Thị Hồng, một cán bộ về hưu tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, ngày 29/6/2024, Quốc hội mới bấm nút thông qua các nghị quyết, trong đó có chính sách tăng tiền lương từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ ngày 1/7/2024, thế nhưng, các tiểu thương đã đồng loạt tăng giá trước đó cả tuần.

Theo bà Hồng, trước khi Chính phủ có nghị quyết tăng lương một tuần, giá cả các chợ, siêu thị mini đã rục rịch tăng. Trước đây, giá thịt lợn ba chỉ, bắp giò có giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, khi có thông tin tăng lương 30%, thì giá thịt lợn loại này đã “nhảy” lên 140.000 đồng/kg. Tương tự, giá nông sản các loại (gạo, lạc, đỗ…) cũng bắt đầu có xu hướng tăng từ 1.000 - 2.000/10kg; giá rau xanh cũng tăng từ 2.000- 3.000 đồng/mớ; giá trứng vịt tăng từ 35.000 đồng/chục lên 38.000 đồng/chục… “Đương nhiên, từ ngày 1/7/2024, giá cả sẽ tiếp tục tăng”, bà Hồng dự báo.

Không chỉ khu vực nội thành Hà Nội “tăng giá theo lương” mà các tỉnh, thành trên cả nước đều cùng chung xu hướng.

Bà Nguyễn Thị Khuê, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương, cho biết, ngày 1/7/2024 mới tăng lương, nhưng giá cả đã rục rịch tăng từ mấy tuần nay. Theo bà Khuê, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều có xu hướng tăng, tuy nhiên chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Khả năng, sau ngày 1/7/2024, giá cả các mặt hàng sẽ tăng rõ nét.

Chị Hà Thị Hoa, một lái buôn thường đưa rau củ quả từ Quốc Oai, Hà Nội, về chợ nội thành bán cho biết, giá cả các mặt hàng (rau, củ, quả các loại) đã tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg/mớ nên chị cũng phải bán tăng lên theo giá mua vào mới có lãi.

Theo ghi nhận của PV vào sáng ngày 1/7, tại nhiều khu chợ trên địa bàn Hà Nội, giá cả hàng hóa đã bắt đầu rục rịch tăng, các mặt hàng tăng giá đều là hàng hóa thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, rau xanh… Trong khi đó, tại các siêu thị, giá cả vẫn được giữ tương đối bình ổn.

Lo nộp thuế thu nhập cá nhân 

Một nỗi lo khác đối với một số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công đó là thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với Nhà nước.

Anh Nguyễn Quốc Công, một cán bộ công chức cho biết, trước khi tăng lương, chưa phải đóng thuế TNCN bao giờ, vì thu nhập chỉ ở mức xấp xỉ 11 triệu đồng/tháng. Nếu tính theo bảng lương mới, anh sẽ có mức thu nhập trên 13 triệu đồng/tháng. Đối chiếu với Luật Thuế TNCN thì anh phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước vì không có đối tượng giảm trừ gia cảnh.

Tăng lương ắt tăng giá. Ảnh: TQ

Tương tự anh Công, hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công, kể cả số cán bộ có đối tượng giảm trừ gia cảnh cũng đang “trăn trở” với Luật Thuế TNCN vì nhiều năm nay chưa được sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Khởi, quê Hà Tĩnh, cho biết, Luật Thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Đến nay, Luật Thuế TNCN đã được sửa đổi 3 lần (Luật số 04/2007/QH12; Luật số 26/2012/QH13; Luật số 71/2014/QH13) tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được sửa đổi.

“Từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng và nâng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (giảm trừ gia cảnh) từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này vẫn đang bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ”, ông Khởi nói.

Vấn đề tăng lương, tăng giá, giảm trừ gia cảnh là một trong những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong kỳ họp vừa qua. Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, thực tế trước khi tăng lương giá cả đã tăng nên cần giải pháp bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng và lưu ý cần quan tâm đến thuế TNCN với mức giảm trừ gia cảnh phải nghiên cứu.

"Hiện nay mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ và lương tăng 30%, ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý", ông Hạ đề nghị.

“Đi làm thì ai cũng mong được tăng lương, nhưng quan trọng nhất với công chức, viên chức và người lao động là lương tăng phải giúp cải thiện chất lượng cuộc sống; trong khi đó, lương chưa tăng, giá cả hàng hóa đã tăng, hoặc lương tăng ít mà giá cả tăng nhiều, hoặc lương tăng mà giảm trừ gia cảnh không tăng, mức chịu thuế TNCN không tăng… thì tăng lương cũng không có ý nghĩa nhiều”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Bình, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm