Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mùa đại hội không vui!

Thứ bảy, 16/04/2011 - 09:36

(Thanh tra) - Nếu so với mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm ngoái thì mùa ĐHCĐ thường niên năm nay thật sự không yên ả: Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết không triệu tập đủ số lượng cổ đông tham dự; nhiều vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp không được thông qua... Giới chuyên gia cho rằng tình trạng này đến từ những khó khăn của kinh tế vĩ mô.

Họp sớm?

Thông thường, các kỳ đại hội cổ đông chỉ có ba chuyện lớn để bàn. Đó là kết quả kinh doanh của năm cũ và kế hoạch phát triển năm mới; phân chia cổ tức, thưởng, phát hành quyền cho cổ đông; cuối cùng là bầu Hội đồng quản trị hay Ban Giám đốc.

Trong những vấn đề này, kết quả kinh doanh năm cũ được xem là quan tâm hàng đầu của NĐT đối với cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết. Theo một nhà quan sát, năm nay dù mới đến giữa tháng Hai mà đã có hơn 100 công ty niêm yết thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên. Có công ty thông báo chốt danh sách từ tháng Một, phần nhiều chốt danh sách vào cuối tháng Hai để tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư.

Vì sao lại phải tiến hành sớm như vậy? Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân có thể do năm 2010 là năm không thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết nên chắc chắn báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp sẽ không được đẹp như mong muốn. Nếu tổ chức ĐHCĐ thường niên trễ, e rằng mức độ chân thực của những báo cáo tài chính đó sẽ được phản ánh rõ do các báo cáo này phải được kiểm toán.

“Thực tế thị trường cho thấy, những khó khăn của kinh tế vĩ mô tác động khiến mặt bằng giá cổ phiếu rớt thảm hại”

Hiện tại, hầu như đa số công ty niêm yết đều đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2010 nhưng những báo cáo tài chính này chưa được kiểm toán do thời điểm tổ chức ĐHCĐ quá sớm. Thực tế cho thấy, thời gian công bố con số tạm tính quý IV (trong đó thường có mục lũy kế, tức là cả năm) và số liệu kiểm toán có khi cách nhau hơn ba tháng, trong khi đó NĐT thì có thể mua ngay hay bán ngay cổ phiếu khi đọc báo cáo tài chính quý IV và thường ít ai chờ số kiểm toán.

“Có lẽ vì vậy, việc ĐHCĐ thường niên tổ chức sớm phải chăng là một trong nhiều cách bẫy NĐT tham gia mua cổ phiếu?” chuyên gia này băn khoăn. Trên thực tế, ý kiến này không phải là không có cơ sở bởi bài học của năm 2010 và những năm trước đã cho thấy, trường hợp lệch số liệu không phải ít, xảy ra ở cả những công ty lớn như ITA, VCG..., với mức độ lệch cũng không hề nhỏ. Nhiều Công ty công bố lãi nhưng sau kiểm toán lại lỗ. Hoặc có trường hợp, sau kiểm toán số lãi hụt đi kha khá. Đây cũng mới chỉ là sai lệch con số lãi sau thuế thôi, chưa đề cập đến các chỉ số khác như các chỉ số định giá, chỉ số nợ, chỉ số hoạt động, chỉ số hiệu quả...

Nản và mâu thuẫn tăng

Một trong những điểm khác biệt nữa giữa mùa ĐHCĐ năm nay so với năm trước là tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết không thể tổ chức ĐHCĐ ngay được tăng cao, mà nguyên nhân là do tỷ lệ đại diện cổ đông tham gia không đủ (theo quy định là 65%). Đơn cử như vụ Công ty CP Viglacera Từ Sơn (VTS) triệu tập họp ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 02/2011, đến dự đại hội chỉ có đại diện cho 687.359 cổ phần, tương đương tỷ lệ 53,26% tổng số cổ phần biểu quyết. ĐHCĐ này vì thế phải chuyển sang ngày khác.

Một số công ty khác cũng gặp phải tình trạng không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự theo quy định như Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (DHT), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), CTCK Kim Long (KLS)…  

Một điểm nữa cũng cần nhắc đến của mùa ĐHCĐ năm nay là có khá nhiều quyết định của giới lãnh đạo doanh nghiệp đã không được thông qua. Chẳng hạn như tại ĐHCĐ của Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) mới được tổ chức cách đây vài ngày. Theo phương án tăng vốn do hội đồng quản trị (HĐQT) đề xuất, PNC dự kiến phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu và số tiền thu được sẽ dùng đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh vào các lĩnh vực mới như sản xuất phim nhựa, cụm rạp chiếu phim; thiết bị đọc sách điện tử; mở trường dạy ngoại ngữ; đào tạo nghề; kinh doanh địa ốc; phòng trà ca nhạc… Tuy nhiên, phương án tăng vốn này đã không được các cổ đông thông qua do chưa cụ thể, chưa rõ ràng.

Kế đến là trường hợp của SAM, dù không đủ điều kiện số cổ đông tham dự ĐHCĐ và phải dời ngày tổ chức sang 08/4/2011, Ban lãnh đạo và các cổ đông của SAM đã cùng ngồi lại để thảo luận thẳng thắn về hai nội dung cổ đông bức xúc nhất là việc chia thưởng cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) bất thành và kế hoạch kinh doanh năm 2010 không đạt như mong muốn (chưa đến 50% kế hoạch lãi trước thuế).

Riêng với trường hợp tổ chức ĐHCĐ bất thành của KLS, khá nhiều NĐT cho rằng nguyên nhân là do một số cổ đông nội bộ chủ động không tham dự nhằm mục đích né tránh vấn đề đang khá “nóng” là hủy chức năng kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán.

Thực tế thị trường cho thấy, những khó khăn của kinh tế vĩ mô tác động khiến mặt bằng giá cổ phiếu rớt thảm hại. Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn cho rằng đây là nguyên nhân chính gây nên tâm lý buồn chán cho NĐT, khiến họ không còn thiết tha nhiều với việc họp hành hay tham dự ĐHCĐ như trước đây nữa.

Hồ Doãn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm