Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lo ngại thiếu việc làm bền vững

Thứ tư, 16/02/2011 - 21:33

(Thanh tra)- Trong năm 2011 sẽ có 5 nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động cao, với khoảng 150.000 lao động, chiếm hơn 58% nhu cầu ở các ngành nghề. Đó là các nhóm, ngành: Marketing, nhân viên kinh doanh, bán hàng; dệt may, giày da, nhựa, bao bì; dịch vụ, phục vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; cơ khí, luyện kim, điện.

Tuy nhiên năm 2011, thị trường lao động sẽ tiếp tục diễn ra nghịch lý trong cung - cầu, đó là tình trạng vừa thiếu vừa thừa lao động. Một số ngành sẽ tiếp tục thiếu lao động phổ thông như dệt may, giày da, nhựa, bao bì, chế biến thực phẩm… Còn một số ngành nghề qua đào tạo như kế toán, tin học, quản trị kinh doanh, hành chính văn phòng… tiếp tục có nguồn cung tăng nhanh vượt so với cầu nhân lực.


Môi trường kinh tế vĩ mô thiếu ổn định trong những năm qua đã tác động không nhỏ tới thị trường lao động trong nước. Sự bùng nổ dân số trong những thập niên vừa qua đã tạo nhiều áp lực lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Ngoài những TP lớn như Hà Nội và TP HCM, với dân số ước tính khoảng 20 triệu người ở khu vực thành thị thì phần lớn dân số Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở nông thôn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi các TP mở rộng với lượng người không ngừng di cư từ các vùng nông thôn đã làm dân số thành thị tăng. Tỷ lệ dân số thành thị trong độ tuổi lao động trong vòng 3 năm qua tăng khoảng 1,8 triệu và vẫn có xu hướng tăng. Theo đó, Việt Nam có tỷ trọng rất lớn việc làm nằm ngoài khu vực làm công ăn lương. Nếu tính chung lao động tự làm và lao động gia đình không được trả công thì có 6/10 lao động (tương đương 61,5% của tổng số lao động có việc làm) ở nước ta có thể coi là lao động dễ bị tổn thương. Trong đó, nữ giới là đối tượng thiệt thòi hơn với 69,1% lao động dễ bị tổn thương, cao hơn 14,7 % so với nam giới.


Đầu năm 2011, các doanh nghiệp liên tục thông báo và tổ chức tuyển dụng lao động. Chẳng hạn như khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long - Hà Nội, nhiều thông tin tuyển dụng với số lượng lao động lớn, nhưng ít lao động đến tìm việc. Đặc biệt, đa số người đi tìm việc tại khu vực tuyển dụng là công nhân của các KCN. Như vậy, có thể thấy rằng nguồn tuyển mới đã rất hạn hẹp. Trong tình hình việc làm và nhu cầu tuyển dụng cung vẫn xa cầu hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội khẳng định, sẽ đẩy mạnh hơn các biện pháp tạo việc làm bền vững. Theo kế hoạch của Sở này, năm 2011, hai trung tâm giới thiệu việc làm của Hà Nội sẽ tổ chức 60 phiên giao dịch việc làm cố định, góp phần tạo việc làm mới và ổn định cho 137.000 người lao động. Ngành chiếm nhiều lao động nhất ở Việt Nam hiện nay là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với gần 23 triệu lao động, nhưng đang có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020.


Chỉ tiêu cho năm 2011 được Bộ LĐ-TB& XH đặt ra sẽ tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1.513 nghìn người, xuất khẩu lao động cho 87 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,5%; cơ cấu lao động: Nông nghiệp 48%, công nghiệp và xây dựng 22%, dịch vụ 30%. Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Năm 2011 sẽ có nhiều cơ hội việc làm bởi kinh tế thế giới sau khủng hoảng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới. Kinh tế trong nước cũng phục hồi nhanh trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề; môi trường đầu tư được cải thiện; thị trường lao động trong nước có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Vì thế, năm 2011 chỉ tiêu được đặt ra về những dự báo xu hướng việc làm, xu hướng lao động để chúng ta có thể thực hiện tốt chương trình việc làm có chất lượng. Còn mục tiêu chính mà chúng ta cần làm chính là chất lượng chứ không phải số lượng 1,6 triệu việc làm nói trên”.

Hoàng Mai

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm