Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lại loay hoay bài toán hút khách

Thứ sáu, 25/02/2011 - 21:30

(Thanh tra)- Năm nay, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, khoảng 31 triệu lượt khách du lịch nội địa và doanh thu đạt 110.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra này không dễ, bởi du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là khâu quảng bá, cách tổ chức tour và cung cách phục vụ du khách…

Du lịch là một sản phẩm tổng hợp, có sự đầu tư, phối hợp đồng bộ của nhiều ngành như: Giao thông, hàng không, thương mại, văn hóa… nhưng thực trạng lại mạnh ai nấy làm. Sản phẩm nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn. Đơn cử, cho đến nay hầu như các nước trong khu vực đều có chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách. Trong khi đó, TP HCM và Hà Nội - 2 TP lớn nhất cả nước, vẫn chưa có chương trình đúng tầm cũng như xây dựng một địa điểm biểu diễn đúng nghĩa như các nước bạn đang làm rất tốt.

Ngay cả các điểm vui chơi, mua sắm khác cũng vô cùng nghèo nàn. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu băn khoăn: “Mức chi tiêu của du khách quốc tế mỗi ngày khoảng 100 USD, nhưng ở Việt Nam họ không có điều kiện để tiêu tiền. Chúng ta có bao nhiêu điểm mua sắm lôi kéo được khách, bao nhiêu điểm spa đạt chuẩn quốc tế? Thêm nữa, hằng năm các địa phương bỏ ra hàng tỉ đồng để làm lễ hội. Tỉnh nào cũng có lễ hội rất lãng phí, nhưng một lễ hội mang tính đặc thù dân tộc, để quảng bá bán tour cho khách nước ngoài thì lại chưa có. Thêm nữa, tour trong nước đơn điệu, đi miền Tây thì sản phẩm vùng nào cũng giống vùng nào, miệt vườn, ao cá; đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc thì luôn thiếu vé máy bay. Ra phía Bắc nhiều nơi còn nhếch nhác, chèo kéo khách… mà giá tour còn quá đắt so với đi tour nước ngoài”.

Năm nay, Tổng cục Du lịch tập trung quảng bá 2 sự kiện lớn là “Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên” và “Hội chợ Quốc tế Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ bảy” (diễn ra từ ngày 14 - 17/9/2011). Thời gian tới, hai sự kiện này sẽ được xúc tiến quảng bá tích cực tại các thị trường tiềm năng, truyền thống như: Tây Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á... Theo Tổng cục Du lịch, Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 sẽ được xây dựng thành hình mẫu với nhiều điểm mới sáng tạo, hấp dẫn với chủ đề "Du lịch biển đảo". Tuy nhiên, vẫn phải tập trung phát triển song song các loại hình, sản phẩm du lịch văn hóa phải gắn với di sản, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng… kèm theo đó là dịch vụ du lịch cao cấp như: Du thuyền, làm đẹp, dưỡng bệnh kết hợp đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực đặc sắc của Việt Nam nhằm tạo sự đa dạng, phong phú mới mong hút khách lâu dài.

Cơ sở hạ tầng kém, vào mùa du lịch trọng điểm hay các dịp lễ Tết, các hãng lữ hành có uy tín đều phải từ chối khách rất sớm vì từ phương tiện đi lại đến phòng nghỉ… đều không đủ cung ứng. Các đường bay quốc tế lẫn trong nước của hàng không Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vào những ngày lễ. Nhiều doanh nghiệp đã bán tour cho khách, nhưng khi đặt vé máy bay không có, đành phải hủy tour. Vận chuyển đường bộ trong nước cũng chẳng khá hơn. Lượng ô tô phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu của khách, đặc biệt vào mùa cao điểm.

Năm 2011, không thể có những chiến lược quảng bá, những lễ lớn quốc gia như năm ngoái. Vì thế, để thực hiện thành công chiến lược, đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, cần xem xét và dự đoán những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới để điều chỉnh một số mục tiêu sao cho khả thi đối với từng thời điểm. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên du lịch biển là vấn đề hết sức quan trọng. Đây vốn là một thế mạnh truyền thống của du lịch Việt Nam.

Rõ ràng, tập trung quảng bá thương hiệu vẫn là một chiến lược dài hơi mà chúng ta mới… chập chững đi những bước đầu, trong khi nhìn sang các nước bạn họ đã vững vàng khẳng định vị thế thương hiệu, với các chiến lược cụ thể, sinh động thu hút rất lớn lượng khách du lịch ổn định hàng năm. Muốn quảng bá tốt, Việt Nam cần sớm có các văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài. Tổng cục Du lịch đã tuyên bố thí điểm tại 5 thị trường trọng điểm trong năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm