Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng ổn định 6,82%

T.Lương

Chủ nhật, 06/10/2024 - 14:32

(Thanh tra) - Kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,82% cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn GSO

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế chín tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,82%.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.

Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Sản xuất công nghiệp trên đà tăng trưởng tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù bị thiệt hại nặng nề do bão lụt nhưng vẫn duy trì tăng trưởng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cung cầu hàng hóa bảo đảm cho tiêu dùng nội địa; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng cao; ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tiếp tục duy trì mức tăng khá. Công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; cứu trợ bão lụt tại các địa phương bị ảnh hưởng được thực hiện nhanh, hiệu quả.

“Bước sang quý IV/2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh…”, báo cáo Tổng cục Thống kê phân tích rõ.

Theo đó, mục tiêu tăng trưởng từ 6,8%-7% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Để được mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh kế, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó, tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, phân phối đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; không thực hiện điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm người dân đang khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ.

Tính chung 9 tháng năm nay, thiên tai làm 510 người chết, mất tích và 2.091 người bị thương; 6.368 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 255,8 nghìn ngôi nhà bị hư hại; 4,8 triệu con gia súc và gia cầm bị chết; khoảng 305,4 nghìn ha lúa và 89,1 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; ước tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 76,2 nghìn tỷ đồng, gấp 29,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ, sạt lở đất để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp; phát huy vai trò người đứng đầu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; tăng cường đối ngoại, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tạo đồng thuận, đoàn kết trong toàn xã hội và hợp tác quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm