Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiều hối và chính sách

Thứ tư, 19/01/2011 - 18:56

(Thanh tra)-Kiều hối là một trong những nguồn ngoại tệ vào Việt Nam lớn nhất (tương đương với lượng ngoại tệ thực vào từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cao gấp 2,5 lần nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA giải ngân, cao gần gấp 2 lần lượng ngoại tệ từ nguồn chi của khách quốc tế đến Việt Nam, gấp hàng chục lần nguồn đầu tư gián tiếp FII). Đây là nguồn vốn quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua.

Rộng đường cho kiều hối

Theo thống kê của Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước ước tính lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam trong tháng 12/2010 này sẽ đạt khoảng 770 triệu USD. Lượng tiền này góp phần đưa con số kiều hối của cả năm vừa qua lên mức trên 8 tỷ USD, tăng 25,6% so với 2009. Con số này còn có thể lớn hơn nếu tính cả lượng tiền được kiều bào chuyển về trong dịp Tết Nguyên đán.

Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết, nguồn kiều hối đang chảy mạnh về Việt Nam và có mức tăng từ 20 đến 30% so với năm 2009. Kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu vẫn từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Australia và một số thị trường có số lượng lao động xuất khẩu nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Việc kiều hối chuyển về Việt Nam tăng cao, trước hết là do kinh tế đã bước đầu hồi phục, nhất là ở thị trường Mỹ. Điều này giúp cho kiều bào cũng như người Việt đi lao động xuất khẩu có thêm điều kiện trong việc chuyển tiền về cho người thân trong nước. Đồng thời, thủ tục nhanh chóng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Hiện thời gian chuyển tiền cho người nhận ở Việt Nam chỉ còn khoảng 8 - 12h (nội thành) và tối đa 24h (vùng xa xôi). Bên cạnh đó, chính các giải pháp thu hút nguồn ngoại tệ như đa dạng hóa các kênh chi trả, nâng cao chất lượng dịch vụ... đã góp phần làm gia tăng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, ngoài việc chuyển tiền về hỗ trợ thân nhân, thời gian gần đây nguồn kiều hối cũng đổ về cho mục đích kinh doanh vàng, chứng khoán và bất động sản do chính sách liên quan đến kiều hối đã thoáng hơn trước. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu lao động ngày càng phát triển mạnh cũng khiến nguồn kiều hối về Việt Nam ngày càng dồi dào hơn.

Dòng chảy mạnh dần

Thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy, bình quân chung từ 1991 đến nay, tỷ lệ giữa lượng kiều hối/GDP đạt 5,85%, trong đó từ năm 2006 đến nay đạt 7,62%, riêng của năm 2010, tuy chưa đạt mức cao nhất, nhưng cũng là năm có tỷ lệ đứng đầu trong 20 năm qua. Nếu xem xét về tỷ lệ giữa lượng kiều hối/GDP (tính bằng USD) theo tỷ giá thực tế đã gần như tăng liên tục qua các năm và hiện đã đạt mức khá. Cụ thể là: năm 1991 đạt 0,44%; năm 1995 đạt 1,37%; năm 2005 đạt 7,18%; năm 2009 đạt 6,86% (giảm chút ít do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu); ước năm 2010 đạt 7,97% (hơn 8 tỷ USD). Thêm vào đó, về mặt vĩ mô, lượng kiều hối đã góp phần giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá,…


Những động thái khách quan này cũng đang là một trong những mục tiêu chiến lược trong chủ trương nhất quán của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong năm 2011, mà "Nhiệm vụ trọng tâm được xác định là là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó hết sức chú ý các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính". Nếu chúng ta có đủ hành lang pháp lý để vận động, thì đây quả là nguồn vốn quý cho các hoạt động đầu tư, góp phần đẩy nhanh sức phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt là phát triển kinh tế dân doanh (khu vực hiện chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu hình thành GDP quốc gia hiện nay)

Trong khi đó, tính riêng trên địa bàn Tp. HCM lượng kiều hối trong năm 2010 đạt trên 3,8 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số ngoại tệ mà các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố mua được từ kiều hối chỉ chiếm khoảng 12 - 15% doanh số chi trả. Thời điểm các ngân hàng thương mại mua được nhiều nhất cũng chỉ chiếm gần 25%.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hồi năm 2011 của Việt Nam sẽ tăng thêm 6,2%. Tính hiệu dự báo lạc quan này đang cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP 7- 7.5%, kiềm chế lạm phát dưới 7% của Việt Nam trong năm 2011 đang có nhiều đồng thuận khách quan, mà một trong những đồng thuận như vậy đang được chỉ rõ là nguồn vốn kiều hối.

“Giữ chân ” nguồn vốn này?

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, 2010 là một năm thắng lợi của kiều hối khi đạt được mức cao nhất trong các năm qua. Tuy nhiên, ông trăn trở: “Lượng kiều hối vào nhiều nhưng chúng ta khai thác và sử dụng chưa thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Nguồn kiều hối được chi trả qua ngân hàng, nhưng không được bán, gửi lại ngân hàng để đáp ứng trở lại cho nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư. Kiều hối vẫn chủ yếu được người dân giữ lại, trôi nổi trong nền kinh tế. Nguyên nhân, còn do chính sách, cách điều hành và lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và đồng tiền chưa được đều khắp và triệt để”.

Theo ông Kiêm, phải làm sao để mỗi đồng kiều hối khi được chuyển về không tạo ra thiệt thòi cho người gửi, để khi gửi họ yên tâm hơn, có lợi hơn. Ít nhất cái lợi này phải bằng hoặc cao hơn khi đi đầu tư ở chỗ khác. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi và phát triển hơn năm ngoái, nếu chúng ta có chính sách đúng đắn, nguồn tiền dư dả sẽ tăng lên và đi tìm điểm đến tại các quốc gia phát triển, tăng trưởng ổn định như VN.

Kiều hối là một trong những kênh ngoại tệ rất quan trọng, góp phần đáng kể trong việc giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai, giảm thiểu rủi ro huy động vốn, giảm sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài của quốc gia. Thế nhưng các ngân hàng hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc thu hút kiều hối qua kênh chính thống, lượng kiều hối được người nhận bán lại cho ngân hàng vẫn còn khá khiêm tốn.

Một trong những lý do được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ là do mức chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng như hiện nay. Chính sự chênh lệch này là nguyên nhân khó có thể thu hút người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng.

                           Thụy Vy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm