Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiềm chế lạm phát trong nỗi lo suy giảm

Thứ ba, 14/02/2012 - 10:25

(Thanh tra)- Năm 2012, mục tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP tiếp tục giảm từ khoảng 34,6% xuống còn 33,5%; mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhiều từ 33,3% xuống còn 13%, nếu tiêu thụ trong nước tiếp tục “co lại” với tốc độ thấp hơn, thì không chỉ khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà đời sống cũng khó được cải thiện.

Sức mua giảm, thất nghiệp tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất, kinh doanh và sức mua nội địa từ quý II/2011 và tháng 1/2012 đang trên đà giảm sút nhanh do diễn biến kinh tế khó khăn, sức sản xuất suy giảm, hàng tồn kho tăng cao và thu nhập đời sống giảm sút, người dân phải chi tiêu tiết kiệm. Tháng 1/2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tăng giá) chỉ tăng 4%, thấp hơn mức tăng 8,7% của tháng Tết năm trước. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn về vốn, nợ nần, hàng tồn kho cao. Nhiều DN vừa và nhỏ tiếp tục ngừng hoạt động và số lao động thất nghiệp tăng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 9 tháng năm 2011 đã có gần 50.000 DN trong nước phải đóng cửa, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Song, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội DN nhỏ và vừa, số DN rơi vào tình cảnh khó khăn trên lớn hơn nhiều.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 11 tháng qua, cả nước có trên 318.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2010. Nếu như năm 2010, Hà Nội chỉ có 4.192 lao động đăng ký thất nghiệp thì năm 2011 số lượng đăng ký đã vọt lên con số 16.100 lao động (tăng gấp 3,8 lần so với năm 2010). Tại TP Hồ Chí Minh, trong 11 tháng của năm 2011 có 101.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010. Thất nghiệp tăng, việc làm không ổn định cộng với lạm phát, giá cả hàng hóa tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến sức mua của người dân giảm mạnh.

Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Điều bất cập nhất của tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua, đặc biệt là trong các năm 2009 - 2010, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng quá nhanh, riêng dư nợ tín dụng tăng trên 30%/năm, trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2009 chỉ tăng 5,32%, năm 2010 tăng 6,78% và năm 2011 tăng 5,89%. Tình hình này đã tác động đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt đã đẩy lạm phát lên cao. Việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hạn mức tín dụng từ chỗ tăng trên 30%/năm giảm xuống 12% vào cuối năm 2011, cùng với cắt giảm đầu tư công, dù là cú sốc mạnh đối với nền kinh tế nhưng đã có tác dụng kiểm soát được lạm phát mức trên 18%. Đương nhiên hệ lụy của sự can thiệp “mạnh tay” này kéo theo sự suy giảm nội lực tăng trưởng. Năm 2012 hạn mức tín dụng cả năm sẽ được điều chỉnh tăng 15 - 17% và ưu tiên kéo giảm lạm phát xuống dưới 10% tiếp tục là một áp lực lớn đối với nền kinh tế.

Chưa kể, quy mô tín dụng giảm, các DN không chỉ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mà còn phải chịu mức lãi suất cao, hiện tại mặt bằng lãi suất cho vay vẫn trên 20%/năm. Trong khi lợi nhuận trước thuế trên vốn sở hữu của tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại. Với các DN nhỏ lại càng khó khăn hơn. Điều này cảnh báo nguy cơ các DN phá sản, dừng hoạt động còn gia tăng nếu không có những biện pháp can thiệp có hiệu quả.

 Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có một số động thái tích cực như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với 5 ngân hàng lớn, nhằm tăng nguồn vốn hữu dụng để ưu tiên cho vay sản xuất nông nghiệp, DN xuất khẩu...; ban hành quy định huy động vàng trong dân để giảm áp lực vốn cho ngân hàng… Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kiềm chế lạm phát không nên tiếp tục theo cách cố thắt chặt tiền tệ hết mức có thể, mà thay vào đó cần có những giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát tình trạng tài chính, chủ động sắp xếp lại các loại hình DN, tái cơ cấu tín dụng và các ngân hàng, các tổ chức tín dụng; trước mắt là bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng.

Mặt khác, cần tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu DN Nhà nước và đầu tư công. Bởi, đây là hai lĩnh vực chiếm dụng nguồn vốn Nhà nước lớn nhưng hiệu quả thấp. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại vốn đầu tư hợp lý, minh bạch và công khai quản lý tài chính để chống thất thoát, tham nhũng… cần phải tạo lập cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực ngoài Nhà nước. Có như vậy, mới chống được tận gốc lạm phát, đồng thời bảo đảm tăng trưởng như kỳ vọng, ổn định được kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Hà Lê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm