Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/06/2011 - 05:31
(Thanh tra)- Sau nhiều năm mở cửa đón các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, đến nay Việt Nam đã thu hút gần 200 tỷ USD vốn FDI, nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động tại Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh hạn chế và chưa có nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần tập trung vào năng suất và đổi mới
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam (thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho thấy: 67% DN FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Tính trung bình cả nước chỉ có khoảng 5% NĐT tham gia sản xuất công nghệ hiện đại như: Ngành công nghệ thông tin và truyền thông; 5% khác tham gia các dịch vụ khoa học, kỹ thuật; 3,5% tham gia ngành bảo hiểm, tài chính có kỹ năng quản lý hiện đại, lao động trình độ cao. Dù không phủ nhận những đóng góp quan trọng của khu vực DN FDI vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong những năm qua, nhưng đây là một thực tế đáng phải suy ngẫm và lo ngại.
Đã có nhiều bài học được rút ra từ việc thu hút vốn đầu tư FDI bằng mọi giá và tăng trưởng dựa vào nhân công giá rẻ và năng suất thấp. Nhiều ngành công nghiệp, điển hình là công nghiệp ôtô sau nhiều năm được hưởng quá nhiều ưu đãi, đến nay vẫn chỉ là ngành công nghiệp gia công, lắp ráp. Chưa kể, hàng loạt dự án (D.A) bất động sản với quy mô lớn, nhưng vốn đầu tư không nhiều, chủ yếu “lấy mỡ nó, rán nó” để thu siêu lợi nhuận mang về nước. Tiếp đó là, tình trạng chuyển giá, trốn thuế của nhiều DN FDI làm thất thu ngân sách Nhà nước và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước…
Theo các chuyên gia kinh tế, để đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững và thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” phải dựa vào 2 yếu tố then chốt là năng suất và đổi mới. Vì vậy, năm 2011, khi Việt Nam bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề nâng cao chất lượng dòng vốn FDI càng phải được đặt ra quyết liệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc (chọn lọc D.A, chọn lọc NĐT), trọng tâm là các D.A cơ sở hạ tầng, D.A sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao; các D.A sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và các D.A có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện môi trường.
Đổi mới tư duy chính sách và cách làm
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù 5 tháng đầu năm nay cả nước thu hút đầu tư và giải ngân đều đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đáng mừng là có sự chuyển dịch về chất lượng, từ công nghệ thấp sang công nghệ cao, từ lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, 5 tháng cả nước thu hút gần 4,7 tỷ USD, chỉ bằng 23,5% kế hoạch của cả năm nay và bằng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều D.A lớn đăng ký đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó đáng chú ý là, D.A First Solar Vietnam sản xuất pin mặt trời do Singapore đầu tư tại TP HCM với tổng vốn hơn 1 tỷ USD; D.A Wintek do Samoa đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất màn hình máy iPad tại Bắc Giang...
Nhằm thực sự nâng cao được chất lượng dòng vốn FDI và để hoạt động của khối DN FDI có sức lan tỏa mạnh tới kinh tế trong nước, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, Luật Đầu tư và hệ thống chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, cách thức thu hút đầu tư cần thay đổi một cách căn bản. Thay vì có nhiều giải pháp hỗ trợ phân tán từ T.Ư tới địa phương theo ngành, theo sản phẩm, địa bàn hiện nay, nên ưu đãi cả gói, dành một số lĩnh vực đầu tư cần khuyến khích, minh bạch hóa trong việc cấp phép, quản lý sau cấp phép, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho NĐT…
Quá trình thu hút FDI phải gắn chặt với việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm tính bền vững về môi trường cũng như ổn định về an sinh xã hội. Để làm tốt vấn đề này, phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xóa bỏ những giấy phép và thủ tục không cần thiết trong đầu tư để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch các thủ tục đăng ký thành lập DN và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với những D.A đã được cấp phép, thường xuyên tổ chức nắm bắt những khó khăn của DN, từ đó có biện pháp hỗ trợ và giải quyết kịp thời. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với những DN làm ăn có hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Minh Phong
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”, để cùng nhau "hành động" đưa hàng Việt trở thành lựa chọn số một của người Việt.
(Thanh tra) - Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia phát hiện một nhân sự của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc sử dụng bằng cấp giả mạo. Với hành vi này, tổ chuyên gia đã kết luận Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc đã có hành vi gian lận theo khoản 4, Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.
Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Chính Bình
Trung Hà
Trần Quý
PV
Chu Tuấn
Trung Hà
Trần Quý
Văn Thanh
Hải Hà
Văn Thanh
Hương Giang