Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khách đông, tiêu nhiều vẫn hơn

Thứ tư, 02/02/2011 - 11:47

(Thanh tra)- Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) và Tổng cục Du lịch (TCDL) đang rất phấn khởi vì số lượng người nước ngoài nhập cảnh trong năm 2010 đã vượt hơn 5 triệu lượt, tăng trưởng hơn 2009 tới 35%.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ ITB Singapore 2010. Ảnh: Võ Em

Tuy nhiên, Nhóm Công tác Du lịch (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) lại cảnh báo bất cứ sự hài lòng nào với con số đó đều là nguy cơ lớn cho ngành Du lịch! Nhóm này muốn các cơ quan quản lý T.Ư nhớ lại, năm 2009, Việt Nam chỉ đón được 3,8 triệu lượt, giảm tới 11,5%  so với năm 2008 (và 2008 chỉ tăng 0,6% so với 2007). Đồng thời, Việt Nam đang “có tiếng” trong giới lữ hành quốc tế như là điểm chỉ đến một lần do số du khách nước ngoài quay lại cực kỳ thấp!

Số lượng tăng mạnh
Năm 2005, TCDL chọn vị khách thứ 3 triệu đến từ Nhật Bản và 2 năm sau, vị khách thứ 4 triệu đến từ Mỹ. Vào thời điểm đó, đây là 2 thị trường gửi khách đến Việt Nam với số lượng lớn, chi trả rất cao. Còn vị khách thứ 5 triệu đón cuối tháng 12/2010 đến từ Trung Quốc, quốc gia đang xếp đầu bảng về số lượng công dân nhập cảnh Việt Nam và cũng tăng trưởng cao nhất (hơn 70% so với cùng kỳ năm 2009), dù tiếc rằng không đạt mục tiêu 1 triệu lượt của TCDL sau nhiều hoạt động xúc tiến tại các tỉnh, TP kinh tế phát triển nằm sâu trong lục địa.

 Dường như TCDL vẫn bị “ám ảnh” phải đạt thành tích tăng trưởng khách quốc tế nhất định hằng năm chứ chưa thực sự quan tâm tới chất lượng khách”, ông Phạm Hà băn khoăn.  Ảnh: Thu Trang

Tăng trưởng của “hàng xóm”
Trong 8 tháng đầu năm 2010, Malaysia đón 16,1 triệu lượt khách quốc tế, chỉ tăng 5,2% cùng kỳ 2009. Song, bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới, trong 3 năm 2007 - 2009, nước này vẫn đón lượng khách tăng trưởng ổn định lần lượt là 20,9 - 22 - 23,6 triệu lượt (doanh thu từ du lịch 46,1 - 49,6 - 53,4 tỷ RM).

Dù bị tác động “kép” nghiêm trọng từ suy thoái kinh tế thế giới và bất ổn chính trị, trong 2008 - 2009 Thái Lan vẫn đón được 11,5 và 14,1 triệu lượt. Trong 9 tháng của năm 2010, số khách tăng 13,3% cùng kỳ 2009.

Campuchia phát triển du lịch sau và xếp dưới Việt Nam 19 bậc trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành - Du lịch 2009 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đón 2 - 2,12 - 2,16 triệu lượt trong 3 năm gần đây. Đến hết tháng 10, vương quốc này đón 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% cùng kỳ năm 2009.

“Năm 2010, lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường hàng không tăng mạnh. Dù nguồn khách nói chung đôi lúc gặp phải thăng trầm, TCDL vẫn xác định đây là thị trường trọng điểm hàng đầu và phấn đấu năm 2015 đón 1,5 triệu lượt”, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) Vũ Thế Bình nhấn mạnh. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TPHCM Lã Quốc Khánh xác nhận, khách Trung Quốc vào TP bằng đường hàng không đang “bùng nổ” khiến thị trường này trong năm ngoái tăng trưởng hơn năm 2009 gần 90%! Kết quả trên còn do nước này nới lỏng chính sách cho công dân sang du lịch Việt Nam và có thêm nhiều đường bay thẳng từ Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… sang.

Người đứng đầu Câu lạc bộ Đón khách Trung Quốc vào bằng thẻ du lịch qua Lạng Sơn, ông Lưu Đức Kế, cho biết, từ cuối tháng 4/2009 đến nay đã đón 65.000 lượt, đại đa số theo tour 4 - 5 ngày Lạng Sơn - Hà Nội - Hạ Long. Dù chưa thống kê, ông Kế khẳng định, lượng khách so với cùng kỳ 2009 tăng rất mạnh. Đáng mừng hơn, 10 Cty lữ hành trong Câu lạc bộ đoàn kết chặt chẽ nên không còn bị đối tác quịt nợ, khiếu kiện, ép giá… như trước đây! Một số Cty còn tổ chức tour vào sâu trong miền Trung, miền Nam song số lượng khách chưa nhiều do chi phí cao, ngày tour dài và khách sử dụng đường hàng không còn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông Kế từ chối trả lời lợi nhuận sau thuế trên mỗi khách là bao nhiêu, chỉ cho biết, giá tour sau hơn 1,5 năm qua vẫn giữ nguyên, song vẫn cao gấp đôi tour sử dụng hộ chiếu đi đường bộ. Còn ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Cty Thương mại & Du lịch Tuấn Minh, tiết lộ: “Lợi nhuận rất thấp, chỉ hơn 100.000 đồng/khách”!

Ông Lã Quốc Khánh cho biết, năm 2011, du lịch TP HCM sẽ tập trung xúc tiến để khai thác nhóm thị trường trọng điểm Bắc Mỹ, Tây Âu - Nga, Đông Bắc Á, Úc, Singapore, Malaysia, Thái Lan và nhóm thị trường tiềm năng Bắc Âu, Nam Âu, Trung Đông, Ấn Độ… với chỉ tiêu 3,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 12,5%). Đồng thời, nâng cao chất lượng và đa sản phẩm, dịch vụ như du lịch phát triển hội nghị - hội thảo, tour đường sông kết nối với Campuchia…  TCDL cũng đặt mục tiêu đón 5,3 triệu lượt và tập trung khai thác hướng tới 4 thị trường trọng điểm là: Trung Quốc, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á, Tây Âu.

Băn khoăn xúc tiến du lịch

Trên website của TCDL đăng một bài ngợi ca “ngành Du lịch đã vượt chỉ tiêu đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2010”! Lãnh đạo TCDL còn nhận định kết quả trên có được nhờ triển khai có trọng điểm với quy mô lớn, bài bản Chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia và các chương trình trọng tâm, trọng điểm khác của ngành; tổ chức thành công các sự kiện lớn của đất nước…

Theo quan điểm của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Siêu, lượng khách nước ngoài tăng mạnh trước hết do Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế, một số nước trong khu vực bất ổn chính trị hoặc thiên tai. Đồng thời có xu hướng đổi chiều tại nhiều thị trường gửi khách trọng điểm, coi Việt Nam là điểm đến mới… “Có thể quảng bá nhiều năm qua đến nay mới có tác dụng. Tuy nhiên, cũng có thể nói, yếu tố khách quan chiếm phần lớn vì tính chủ động quảng bá thu hút khách mới ở mức hạn chế”, ông Siêu nói.

Giám đốc Điều hành Cty Luxury Travel Phạm Hà nói thẳng: “Đừng khen nhau khách đông “ta với ta” mà không so sánh với các nước láng giềng”! Sau khi dự Hội chợ Du lịch WTM tại London (Anh, tháng 11/2010) rất uy tín, ông Hà cho biết: “Ngày càng xói mòn lòng tin vào năng lực, trách nhiệm của các quan chức”! Do TCDL không còn trả tiền thuê mặt bằng như năm 2009 nên 16 doanh nghiệp đi theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam phải đóng tới 2.000 bảng/người để “được” chen chúc nhau trong 45m2.

Ông Phạm Hà bức xúc nhận xét: “Ngôi nhà chung du lịch Việt Nam” vẫn trang trí sơ sài theo kiểu “dán ảnh lên vách” cho xong với cảnh hồ Hoàn Kiếm, vịnh Hạ Long, kinh thành Huế… nhàm chán, không thể hiện rõ thông điệp hay chủ đề gì. Trong suốt 4 ngày, gian hàng không tổ chức sự kiện nào; thông tin về chính sách mới, Năm Du lịch Quốc gia 2011, đường bay mới… cũng chẳng có. Gian hàng vừa xấu vừa buồn thì chớ, từ ngày thứ hai, vị đại diện Hiệp hội cũng “thoắt ẩn thoắt hiện”. Nhiều phóng viên nước ngoài đến thăm gian hàng không thấy người có thẩm quyền trả lời thông tin đành lắc đầu bỏ đi… Ông Hà tuyên bố, đã đăng ký với Ban Tổ chức WTM 2011 thuê gian hàng riêng vì “thà trả thêm khá nhiều tiền còn hơn tiếp tục ở cùng “ngôi nhà chung””!

Giám đốc Cty Du lịch Nét đẹp Ðông Dương, ông Vũ Hoàng Anh, mong muốn các cơ quan quản lý và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần thay đổi công tác xúc tiến từ tư duy, cách tiếp cận khách hàng cho tới nhân lực thực hiện. Cụ thể, cơ quan quản lý T.Ư đã xác định thị trường nào là trọng điểm thì cần đầu tư ngân sách xúc tiến dài hạn, điển hình như “gánh” đỡ kinh phí thuê mặt bằng tham dự hội chợ, chứ không nên “tắc bụp” năm trước tham gia, năm sau bỏ…

Ông Vũ Thế Bình cũng nhận định, tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến của TCDL phải được cải tiến chứ không thể thấp mãi!

TCDL xúc tiến… “quá hay”!
Ông Lã Quốc Khánh nhận định, khách tăng mạnh còn do Việt Nam chủ động tăng ngân sách dành cho xúc tiến du lịch và kinh tế thế giới hồi phục nên ngành Du lịch hưởng lợi theo. Đồng thời giá tour vẫn giữ được thấp hơn đầu năm 2008.

+ Ông đánh giá thế nào về việc Chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia 2010 đến đầu tháng 7 mới được phê duyệt?
- Tôi cho rằng, TCDL xúc tiến… “quá hay” vì nhiều công việc của cả năm dồn vào thực hiện trong 5 tháng cũng… xong! Chỉ có điều, để khẳng định có “hay” thật không phải kiểm tra xem hiệu quả xúc tiến đến đâu. Chứ chỉ nghe báo cáo thì ai chẳng nói hay.

+ Ông có góp ý gì cho TCDL về công tác xúc tiến?
- Để thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng”, TCDL cần sớm công bố kế hoạch phối hợp hàng năm với một số địa phương trọng điểm du lịch. Trong đó nêu rõ TCDL làm gì? Địa phương đăng ký làm gì? Lẽ ra, TCDL phải thông báo cho địa phương biết kế hoạch xúc tiến ở nước ngoài trước ít nhất 6 tháng mới có thể chuẩn bị chu đáo công tác truyền thông, hẹn gặp đối tác, sản xuất ấn phẩm thể hiện rõ chủ đề sẽ thực hiện… chứ không thể khơi khơi treo mấy cái ảnh lên gian hàng là xong!

Ngân sách dành cho xúc tiến còn rất hạn chế nên quan trọng nhất, phải phân tích thị trường kỹ lưỡng để lựa chọn xúc tiến vào thị trường nào? Việc này cần phải thực hiện công khai, lấy ý kiến từ rất nhiều nguồn chứ không thể chỉ là chủ quan của riêng Vụ Thị trường Du lịch (TCDL) hoặc đơn vị nào khác được. 


Nguyễn Long - Tiến Ngân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm