Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hậu quả do đầu tư tràn lan?

Chủ nhật, 21/10/2012 - 09:31

(Thanh tra) - Những năm qua, ngành nghề chế biến sản xuất dăm gỗ xuất khẩu phát triển mạnh ở Quảng Ngãi do lợi nhuận mang lại rất cao. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã thi nhau đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất dăm gỗ, trong đó có vài DN xây dựng tới 2 - 3 nhà máy.

Do chất lượng dăm gỗ kém, làm đối tác hủy bỏ hợp đồng nên việc tiêu thụ rất khó khăn

Việc phát triển thiếu quy hoạch, không chỉ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển, chế biến mà còn dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”; cộng với thị trường xuất khẩu dăm gỗ ngày càng thu hẹp, giá thành giảm đáng kể, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí là đóng cửa dài ngày...

Hơn 1 tháng qua, 3 dây chuyền sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Kim Thành Lưu (Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) phải ngừng hoạt động, hàng trăm công nhân thất nghiệp “ngồi chơi xơi nước”. Dù tìm đủ mọi cách xoay sở nhưng chủ DN cũng không tài nào mua được nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, giá cả dăm gỗ xuất khẩu tụt xuống mức thấp nhất, không mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: “Cây keo nguyên liệu không đủ chế biến, cộng với giá cả đầu ra giảm mạnh, mỗi tấn dăm gỗ chúng tôi phải chịu lỗ khoảng 9% tổng giá trị. Việc duy trì sản xuất gặp vô cùng khó khăn, không biết bao giờ mới chấm dứt...”.

Còn ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp hội Dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi tâm sự: “Không chỉ có Kim Thành Lưu mà nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ ở Khu Kinh tế Dung Quất cũng phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu sản xuất, lượng dăm gỗ xuất khẩu giảm mạnh. Theo thống kê của Hiệp hội, nếu năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 3 nhà máy sản xuất dăm gỗ thì đến nay con số này đã tăng lên 21 nhà máy, đó là chưa nói đến 2 nhà máy đang trong quá trình xây dựng. Để bảo đảm công suất cho các nhà máy này hoạt động, thì mỗi ngày phải cần hơn 20.000 tấn cây nguyên liệu. Tuy nhiên, các huyện miền núi của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 6.000 tấn và mua ở  các địa phương lân cận tại Quảng Nam khoảng 7.000 tấn/ngày nên không đáp ứng được...”.

Ông Nguyễn Nị phân tích: “Tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất làm nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, gây nên cảnh chụp giật với nhau để mua gỗ nguyên liệu, mua cả keo non, lột vỏ chưa sạch, ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng dăm gỗ chế biến. Chỉ cách đây 1 năm, lượng dăm gỗ sản xuất, chế biến ra không đủ cung cấp cho khách hàng đến từ Nhật Bản, Trung Quốc... Cũng vì thấy làm ăn quá dễ dàng, lợi nhuận cao nên không ít DN đã thu mua nguyên liệu theo kiểu chụp giật, vơ vét, bất chấp chất lượng thấp. Có một số DN còn trộn cả các loại gỗ tạp khác để chế biến như gỗ cây xoài, bời lời, thậm chí cả dừa, cau... Chính kiểu làm ăn này đã dẫn đến việc thị trường Nhật Bản quay lưng với dăm gỗ Quảng Ngãi. Giờ đây thị trường tiêu thụ dăm gỗ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Do “một mình một chợ” nên DN Trung Quốc tha hồ ép giá dăm gỗ. Đầu năm 2012, giá xuất dăm gỗ xuất khẩu là 138 USD/tấn, nhưng hiện giờ chỉ còn 122 USD/tấn. Trong khi để có 1 tấn dăm gỗ khô xuất khẩu, các DN phải mua nguyên liệu với giá hơn 2,1 triệu đồng, tính toán chi ly nhiều DN phải chịu lỗ từ 2 - 3 USD/tấn, do không dám vi phạm hợp đồng với đối tác”.

Tại Cảng Dung Quất, ông Nguyễn Duy Ngọc, Giám đốc Cảng Gemadept Dung Quất cho biết, sản lượng dăm gỗ xuất khẩu hiện đang giảm mạnh chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Năm 2011, trung bình 2 cảng PTSC và Gemadept đón khoảng 10 tàu/tháng, thì năm 2012 còn khoảng 5 tàu. Từ đầu năm 2012 đến nay, mới xuất khẩu được 600.000 tấn dăm gỗ, giảm 300.000 tấn so với cùng kỳ năm 2011.

Hàng loạt nhà máy sản xuất gỗ dăm ở Quảng Ngãi đang rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng và đứng trước nguy cơ đình đốn, đóng cửa, người trồng rừng cũng bị vạ lây, nếu như đầu năm 2012, giá gỗ keo nguyên liệu từ 1,18 triệu đồng/tấn gỗ lóng, nay chỉ còn 1,05 triệu đồng/tấn. Người dân trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi như Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây... bị lỗ nặng khi thu hoạch rừng cây keo nguyên liệu. Nhiều hộ dân phải vay vốn của ngân hàng để trồng rừng, giá keo nguyên liệu giảm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, không trả được nợ, hoặc nợ nần kéo dài, nên họ không thiết tha với công việc trồng và chăm sóc rừng cây.

Nguyên Ngọc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm