Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải pháp tốt trong điều kiện khó khăn

Thứ sáu, 29/04/2011 - 05:47

(Thanh tra)- Hiện nay, ngành Chăn nuôi trong nước đã đạt được những kết quả nổi bật về khoa học công nghệ (KHCN), chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi ngày càng cao. Hơn nữa, việc sử dụng các sản phẩm KHCN trong nước có chi phí thấp, giảm được việc nhập khẩu, đồng thời kích thích phát triển sản xuất trong nước.

Máy móc trong nước sản xuất là một giải pháp tốt tăng giá trị chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Giống nội không thua kém giống ngoại

Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đánh giá, kết quả nổi bật trong nghiên cứu chọn tạo giống gia súc, gia cầm 5 năm qua là việc các con giống, các công thức lai mới đã tạo ra những cải tiến lớn về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành Chăn nuôi.

Một số giống lợn đặc sản sau 5 năm chọn lọc, nhân thuần đã cho năng suất sinh sản và sinh trưởng tăng rõ rệt với 1,8 lứa/năm, số con sơ sinh sống tăng từ 10 - 15% và tiêu tốn thức ăn giảm đến 12%, bệnh tật giảm tới 26% so với bình quân. Đáng chú ý, việc tạo ra 4 dòng vịt siêu thịt (T5, T6 và V5, V7 cho tăng 10% năng suất trứng, 7 - 12% năng suất thịt và so với vịt của Anh và Pháp đạt độ tương tương với 97 - 100%. Tiếp đó, 4 dòng vịt siêu trứng được tạo ra (CV2000, VCL1, CVL4, K1) cũng cho năng suất trứng tăng 10%; bảo đảm chất lượng tương đương với các giống nhập về Đài Loan, Thái Lan… Đồng thời, do giá thành chỉ bằng 30% giống nhập ngoại nên việc tiêu thụ giống trong nước vừa tiết kiệm, giảm được rất nhiều kinh phí nhập giống, vừa kích thích được tiêu dùng trong nước.

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ chăn nuôi lần đầu tiên Việt Nam đã thực hiện thành công việc tách chiết AND của bò hoang dã từ mẫu phân. Đây là kỹ thuật không nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới có thể thực hiện được. Đồng thời, Việt Nam cũng xác định khai thác di truyền của các giống gà nội; chế tạo thành công chế phẩm Probiotic; làm chủ được nhiều công nghệ về sản xuất tinh lợn cọng rạ đông lạnh, công nghệ cấy phôi tươi, công nghệ thụ tinh nhân tạo ngan…

Đến nay, cả nước đã xây dựng được 385 mô hình vịt, ngan sinh sản với quy mô trên 10.000 con/mô hình, với tỷ lệ nuôi sống cao (95%), có thể nuôi trong điều kiện hoàn toàn trên cạn (khắc nghiệt hơn). Lợi nhuận thu được từ nuôi vịt, ngan cao sản mới này đã tăng từ 10 - 16% so với giống trước đây. Ngoài ra, các tiến bộ trong công tác giống còn giúp quản lý và chọn lọc đàn hạt nhân bò sữa HF thuần và đàn bò lai hướng sữa có hướng bền vững cho hầu hết các tỉnh trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, việc xác định được 2 sản phẩm dê lai hướng thịt 3/4 máu Boer và dê lai hướng sữa ¾ máu Saamen đã tạo ra một thị trường rộng, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ công việc cho lao động nông thôn và đặc biệt phù hợp với người nghèo vùng núi, vùng sâu, vùng xa vì chi phí đầu tư thấp…

Chưa kể, trong lĩnh vực nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi, các phương pháp mới, hiện đại như: In vivo, Gas production, quang phổ phụ cận hồng ngoại đã giúp các nhà khoa học, nhà sản xuất tiết kiệm được 8 - 12% chi phí phân tích dinh dưỡng. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng thức ăn sẵn có (rỉ mật, lõi ngô, thân cây ngô…) vỗ béo bê, bò là giải pháp giúp giảm từ 15 - 20% giá thành sản phẩm. Đặc biệt, giải pháp giải quyết một số vấn đề trong sử dụng nguồn thức ăn sẵn có và hệ thống chăn nuôi dựa trên nền nông nghiệp bền vững (thuộc Dự án Mekarn 2006 - 2010) đã góp phần làm phong phú thêm nguồn thức ăn chăn nuôi tại chỗ và nâng cao thu nhập cho nông dân từ chăn nuôi nông hộ lên 15 - 20%.

Áp dụng tiến bộ KHCN - giải pháp tốt

Một số doanh nghiệp ngành Chăn nuôi cho rằng, trong bối cảnh điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là tác động mạnh của biến đổi khí hậu và giá cả đầu vào tăng cao, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực chăn nuôi là một hướng đi tốt.

Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi, PGS. TS Hoàng Văn Tiệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần cho phép các đề tài, dự án được thực hiện chế độ khoán chi theo sản phẩm đặt hàng để công tác thanh toán, quyết toán kinh phí được thuận tiện hơn. Với các đề tài, dự án liên quan đến gia súc sinh sản theo mùa, hoặc các loại cây thức ăn chăn nuôi thu hoạch theo mùa vụ, đề nghị Bộ cho thanh quyết toán muộn hơn để tính toán được các yếu tố mùa vụ và cho kết quả chính xác hơn. Đồng thời, nên giảm tỷ lệ thu hồi vốn từ 60% xuống còn 30 - 40% để có thể chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất kịp thời và hiệu quả hơn. Thêm nữa, “Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi hơn cho các cơ quan KHCN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển mạnh KHCN chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội”, ông Tiệu đề xuất.


Nam San

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm