(Thanh tra) - Tổng số dự án mà các doanh nhân Việt kiều đầu tư về nước những năm gần đây tăng liên tục, thế nhưng, mới chỉ có 2/3 dự án đạt hiệu quả, nguyên nhân chính được cho là do còn có những rào cản trong chính sách...
Bộ Ngoại giao cho biết, những năm gần đây lượng kiều hối gửi về mỗi năm tăng 10 - 15%. Tính chung, kiều hối và đầu tư từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài mỗi năm gần 20 tỷ USD. Năm 2011, kiều hối đạt trên 9 tỷ USD. Riêng hai Quý đầu năm nay, con số này đã là 6 tỷ USD. Đến nay, kiều bào đăng ký đầu tư tại Việt Nam trên 2.000 dự án, tổng vốn gần 6 tỷ USD và trên 60% được đánh giá có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, số vốn đầu tư về nước so với tiềm năng của doanh nghiệp (DN) Việt kiều vẫn rất nhỏ bé. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Mỹ nói là do “rào cản” thủ tục hành chính, và hệ thống luật pháp phức tạp. Cụ thể như việc áp dụng quy định đầu tư của DN Việt kiều như nhà đầu tư nước ngoài, khiến các DN Việt kiều gặp hạn chế về ngành nghề kinh doanh. Nhiều DN Việt kiều phải mượn danh nghĩa bạn bè, người thân trong nước để đầu tư, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp… vì vậy cũng không huy động được vốn đầu tư lớn.
Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hải Nam: Kinh doanh thành công, yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần thực hiện cơ chế “một cửa”. Hiện nay, từ khi tìm hiểu đến xin giấy phép, thực hiện dự án và đưa dự án vào thực tiễn cuộc sống nhà đầu tư phải qua rất nhiều kênh, nhiều cửa.
Nếu Chính phủ có những hoạt động quảng bá về Việt Nam, đưa thông tin về các đầu mối thông tin để kiều bào có thể tìm hiểu về Việt Nam và các dự án đầu tư, kinh doanh; cập thông tin về các đoàn DN Việt Nam sang các nước thì sẽ khơi dậy được tinh thần về Việt Nam đầu tư hơn rất nhiều.
Ông Hồ Phùng, Kiều bào Nhật Bản kể rằng, ông nộp hồ sơ đăng ký thành lập Công ty TNHH MTV Yuri, cán bộ Phòng đăng ký yêu cầu chứng minh từ điển có từ Yuri. Khi chứng minh “Yuri nghĩa là hoa Bách Hợp” thì vẫn không được đồng ý vì “đó chỉ là từ điển trên mạng, nên không áp dụng”. Ông Hồ buộc phải đổi tên Công ty là TNHH MTV Bách Hợp. Thế nhưng, cái tên mới này cũng bị từ chối vì đã có người đăng ký rồi. Trong lúc website Công ty đã đăng ký và hoạt động, nhưng do không xin được tên để thành lập DN, ông đành phải rút hồ sơ lại… Ông Hồ Phùng tỏ ra bức xúc, quy định chung chung về đặt tên cho DN đã dẫn đến tình trạng tùy tiện xử lý của các cơ quan đăng ký kinh doanh.
Giám đốc DNTN Tân Trường Khanh Trần Văn Trường, Việt kiều Mỹ cho biết, năm 2005 ông đã về Đồng Tháp đầu tư mua 33.000m2 đất nuôi cá tra xuất khẩu. Song, thời điểm đó do luật chưa cho phép người nước ngoài đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông phải nhờ người quen đứng tên hộ. Đó là điều không ai muốn, vì đã có nhiều trường hợp phát sinh rắc rối vì tranh chấp… việc luật hóa và cụ thể hóa quy định để DN được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể giúp DN giảm phiền phức, thiệt hại như thời gian qua.
Điểm đáng lưu ý khác, theo ông Trường là chuyện vay vốn. Các tổ chức tín dụng cần công tâm, hỗ trợ đúng luật chứ không quay lại ép nhóm DN Việt kiều. Cần áp dụng biện pháp tín dụng đúng bản chất chính sách hỗ trợ như: Cho đáo hạn, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất…
Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam Đỗ Trác Bàng chia sẻ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài có, có thể đóng góp cho nước nhà những tiềm năng rất lớn như kiến thức, kỹ năng, vốn liếng... nhưng Chính phủ lại chưa xác định rõ các lĩnh vực, thiếu định tính, định lượng, chưa điều tra xã hội học để hiểu rõ tiềm năng, khả năng của doanh nhân Việt Nam ở từng nước, từng khu vực để có hướng khai thác hợp lý.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, doanh nhân Việt Nam tại Nga, Giám đốc Công ty CP Du lịch Quốc tế Kim Túc cho rằng, để thu hút hơn nữa đầu tư của kiều bào, nhất là những DN vừa và nhỏ thì các chính sách của Đảng và Nhà nước cần rõ ràng, cụ thể hóa hơn. Mặt khác theo ông Xuân, muốn thu hút đầu tư chúng ta phải sửa đổi Luật DN sao cho sát với Luật DN quốc tế. Ví dụ như nắm giữ 51% cổ phần trong một DN trở lên có quyền quyết định các vấn đề...
Ông Trần Việt Dũng, Doanh nhân Việt Kiều Hà Lan, Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Quốc tế Hanoi - Amsterrdam thì cho rằng, việc thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là một chủ trương đúng nhằm thúc đẩy tinh thần và khơi dậy ý tưởng về Việt Nam kinh doanh của kiều bào ta trên toàn thế giới.
Theo ông Dũng, Hiệp hội cần có những hoạt động thường xuyên và cụ thể hơn để hội viên có cơ hội kết nối, gắn kết với nhau nhằm chia sẻ và tìm được những cơ hội kinh doanh. Hiệp hội cần cập nhật và cung cấp thường xuyên những thông tin mà các hội viên cần; phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng và khó khăn mà các doanh nhân kiều bào gặp phải nhằm kiến nghị với Chính phủ để đưa ra các chính sách phù hợp cho từng thời kỳ… Thế nhưng 3 năm qua, Hiệp hội vẫn chưa có những hỗ trợ thiết thực.
Với chủ đề chính “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”, trong các ngày 27, 28/9 vừa qua Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã tập trung thảo luận ở 4 chuyên đề liên quan đến phương hướng xây dựng một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt, hòa nhập vào xã hội sở tại trong khi vẫn giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hướng về góp phần xây dựng đất nước. Đây là dịp để các bên cùng trao đổi, đánh giá tình hình và xác định tầm nhìn, định hướng để người Việt Nam ở nước ngoài thực sự là bộ phận, là nguồn sinh lực để xây dựng cộng đồng vững mạnh, đóng góp cho quá trình hội nhập toàn diện, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước. |
Thanh Nguyễn