Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 14/04/2011 - 06:36
(Thanh tra)- Làng biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) được hình thành cách đây hàng trăm năm, hiện tập trung hàng nghìn ngư dân với hàng trăm tàu thuyền có công suất lớn, nhỏ, hành nghề đánh bắt hải sản và kinh doanh, dịch vụ chế biến hải sản. Để tạo điều kiện cho ngư dân hành nghề, nhất là tàu thuyền ra vào thuận lợi, một dự án (D.A) đầu tư xây dựng kè chắn sóng với kinh phí hơn 40 tỷ đồng đã được triển khai. Song, khi đi vào hoạt động, công trình không đạt như mong muốn ban đầu, thậm chí trở thành mối nguy hiểm đối với nghề biển của bà con ngư dân nơi đây...
Hàng chục tàu đánh bắt cá bị vỡ chìm hoặc bị hư hỏng nặng do va phải đá ngầm tại kè chắn sóng cửa biển Sa Huỳnh.
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết, cửa biển Sa Huỳnh hiện là nơi tập trung đông nhất số ngư dân trong xã và các nơi khác về đây làm nghề đánh bắt hải sản cũng như các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh, dịch vụ chế biến hải sản. Theo thống kê, hiện có 811 tàu thuyền công suất từ 30 - 90 CW, trong đó hơn 300 chiếc có khả năng bám biển dài ngày để đánh bắt xa bờ. Số ngư dân hành nghề trên biển hơn 3.500 người và số lao động hoạt động trên bờ gần 2.000 người, đảm nhận các khâu mua bán, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần, vận chuyển… Nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền hoạt động dễ dàng, có nơi neo đậu, nhất là vào mùa biển động, UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trương xây dựng hệ thống "Kè chắn sóng và thông luồng cửa biển Sa Huỳnh".
Vào năm 2002, D.A được triển khai với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, do UBND tỉnh chủ đầu tư, Sở Thủy sản (về sau sáp nhập vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi) là đơn vị trực tiếp khảo sát, thiết kế và triển khai xây dựng D.A. Hạng mục chính của công trình là bờ kè chắn sóng dài 500m, với luồng dẫn cho tàu thuyền ra vào từ biển đến âu tàu dài gần 1km… Đến đầu năm 2003, D.A hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng hiệu quả của D.A lại đi ngược ý tưởng ban đầu.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tính hiệu quả của D.A, ông Trinh bức xúc: "Đây là một D.A gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và tài sản của bà con ngư dân. Trước đây, khi chưa xây dựng hệ thống kè chắn sóng và thông luồng cửa biển, tàu thuyền đánh bắt vẫn có thể ra vào cửa biển một cách dễ dàng. Từ khi kè chắn sóng hoàn thành, đã làm thay đổi hoàn toàn dòng chảy cửa biển, lượng cát bồi lấp vào cửa biển ngày càng nhiều, dẫn đến tàu thuyền không thể vào được âu tàu….”.
Theo tìm hiểu của PV, do ngày càng xuất hiện nhiều tảng đá ngầm dưới mặt nước, tàu thuyền ra vào liên tục bị tai nạn do va vào cọc dùng làm chân kè chắn sóng và đá ngầm, gây vỡ thân tàu rồi chìm ngỉm. Tính từ năm 2003 đến nay, đã có 32 tàu đánh bắt hải sản bị tai nạn và chìm tàu hoàn toàn, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 20 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm tàu thuyền khác va phải chân kè chắn sóng, làm gãy bánh lái, gãy trục máy… thiệt hại không thống kê hết! Gần đây, vào ngày 31/3/2011, chiếc tàu của ông Hà Chút sau khi kết thúc chuyến đánh bắt hải sản xa bờ về, lúc tàu theo luồng vào đã va phải chân kè chắn sóng làm chìm tàu. Nhiều bà con ngư dân ở làng biển Sa Huỳnh khẳng định: D.A kè chắn sóng và thông luồng cửa biển này thực sự là một cái "bẫy" cho tàu thuyền ra vào nơi đây...
Nguyên nhân D.A kém hiệu quả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc làm ăn của ngư dân, là do khi khảo sát thiết kế xây dựng D.A, chủ đầu tư và các đơn vị chức năng đã không tham khảo ý kiến của địa phương, nhất là những người có kinh nghiệm về thời tiết biển cả. Kết quả, hàng chục tỷ đồng được đầu tư cho D.A vẫn không phát huy hiệu quả, thậm chí còn gây thiệt hại cho bà con ngư dân, trước mắt cũng như lâu dài.
Anh Phạm Minh Hải, cán bộ phụ trách ngư nghiệp xã Phổ Thạnh cho biết, trong thời gian qua, đa phần tàu thuyền đánh bắt hải sản ở địa phương không “mặn mà” về với cửa biển Sa Huỳnh, mà tìm neo đậu và bán sản phẩm tại các cảng cá ở Đà Nẵng, Hội An, Bình Định, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ chế biến hải sản trên bờ, là nguồn thu chủ yếu của ngân sách địa phương.
Từ thực trạng này, hầu như năm nào UBND xã cũng có báo cáo đề nghị lãnh đạo huyện và tỉnh có biện pháp xem xét, xử lý khắc phục những hạn chế của D.A kè chắn sóng, thông luồng cửa biển Sa Huỳnh. Vấn đề này cũng được cử tri nêu ra tại các kỳ họp HĐND từ xã lên huyện và đến tỉnh, nhưng tất cả vẫn rơi vào… im lặng. Mới đây nhất, ngày 4/4/2011, UBND xã Phổ Thạnh lại có báo cáo liên quan đến kè chắn sóng gửi UBND huyện, UBND tỉnh, nhưng vẫn chưa có hồi âm.
Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần có biện pháp khắc phục ngay những sai sót của D.A, tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm gắn bó với làng biển Sa Huỳnh, ổn định thu nhập và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở Phổ Thạnh và các vùng phụ cận.
Nguyên Ngọc Phó
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 15/12, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam”.
T.Lương
21:46 15/12/2024(Thanh tra) - Hàng loạt nhà thầu bị phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong giai đoạn 2022–2024.
Đông Hà
21:00 15/12/2024Đông Hà
19:52 15/12/2024Nguyễn Điểm
17:59 15/12/2024Nhật Minh
19:40 14/12/2024Lê Phương
16:31 14/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân