Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công bố xếp hạng VNR500 năm 2012

Thứ sáu, 18/01/2013 - 15:45

(Thanh tra) - Sáng nay (18/1), tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức lễ trao giải VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012.

Trao Giấy chứng nhận VNR500 cho các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Quý

Năm 2012 là năm thứ 6 liên tiếp Bảng xếp hạng được công bố. Bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 ghi danh 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012, đồng thời cũng ghi nhận sự trưởng thành của 500 doanh nghiệp thuộc nhóm tư nhân - nhóm luôn chiếm tỷ lệ đông đảo về số lượng trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, không ngừng khẳng định hiệu quả hoạt động qua từng năm, đồng thời cũng tích cực đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp có mặt trong VNR500 năm 2012 không chỉ là những doanh nghiệp lớn về doanh thu mà còn về danh tiếng và thương hiệu.

Theo thống kê của VNR500 từ năm 2007 đến nay, tốc độ tăng tổng doanh thu chung và doanh thu của từng loại hình doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, phụ thuộc phần nhiều vào tình hình kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam, nhưng xu hướng chung là đều tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, năm 2012, các doanh nghiệp VNR500 hoạt động khá hiệu quả trong năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế không mấy khả quan, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp VNR500 trung bình đạt 20%, đồng nghĩa với việc cứ 10 đồng vốn bỏ ra, doanh nghiệp thu về được 2 đồng lãi. Trong số đó, đáng lưu ý là nhóm doanh nghiệp FDI với tỷ suất ROE cao hơn hẳn so với nhóm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. ROE của khối FDI là 39,22%, nghĩa là với mỗi đồng vốn bỏ ra, DN FDI thu về 0,39 đồng lời, trong khi chỉ số này của nhóm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lần lượt là 16,28% và 15,53%. Chính nhờ khả năng kiểm soát tốt chi phí nên lợi nhuận của khối doanh nghiệp FDI cũng cao hơn so với các khối doanh nghiệp khác.

Xét theo ngành nghề hoạt động, ngành viễn thông, hóa chất, cơ khí và nông lâm nghiệp là các ngành có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ cao nhất (đạt trên 25%). Kết quả khả quan này trái ngược hoàn toàn so với ngành điện, khi tỷ suất lợi nhuận của ngành đang đạt mức âm do chi phí phát sinh cao hơn doanh thu đạt được.

Theo thống kê VNR500 năm 2012, hệ số nợ của nhóm doanh nghiệp Nhà nước đạt 0,7, trong khi nhóm doanh nghiệp tư nhân đạt 0,8 và doanh nghiệp FDI đạt xấp xỉ 0,5.

Con số trên cho thấy, đặc trưng chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là sử dụng nguồn vốn vay làm nguồn vốn kinh doanh chính (tương tự kết quả khảo sát các doanh nghiệp VNR do Vietnam Report thực hiện đầu năm 2012 về nguồn vốn vay chính của doanh nghiệp trong năm 2011). Đương nhiên, với thực trạng lãi suất vay ngân hàng trong năm 2011 có khi lên tới hơn 25% thì khả năng thanh toán hiện hành của doanh nghiệp sẽ có nguy cơ giảm sút là điều chắc chắn, đồng thời ảnh hưởng tới chi phí vốn vay, gián tiếp làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhờ những đóng góp đáng kể về doanh thu của Công ty TNHH Samsung Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 2007, Bắc Ninh lọt vào Top 5 tỉnh, thành phố có tổng doanh thu từ doanh nghiệp VNR500 lớn nhất (chỉ với 4 doanh nghiệp lọt vào VNR500 nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Bắc Ninh chiếm tới 3,18% tổng doanh thu toàn VNR500 năm 2012).

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: Những con số trên đây phần nào đã phác họa được toàn cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua. Rõ ràng, khi nền kinh tế và môi trường kinh doanh đang ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải vững mạnh không chỉ đơn thuần để tồn tại mà phải sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài bởi sự tinh tế và linh hoạt của những sáng tạo mới từ các doanh nghiệp này luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. 

Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn các mực xếp hạng DN của quốc tế. Bảng xếp hạng là sự ghi nhận cũng như đánh giá khách quan kết quả hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam đã đạt được trong mỗi năm tài khóa.

Bảng xếp hạng VNR500 đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí chủ yếu là doanh thu, đồng thời, kết hợp với các tiêu chí như: Lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lao động và tài sản để so sánh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân được Vietnam Report sử dụng là các doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%. Để đủ tiêu chuẩn lựa chọn xem xét xếp hạng trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải trên 1.400 tỷ đồng và trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải đạt trên 660 tỷ đồng.


Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm