Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ cấu lại nền kinh tế: “Thay đổi hiện tại, tạo chân dung mới của tương lai”

Hương Giang

Thứ hai, 01/01/2024 - 06:35

(Thanh tra) - Kết quả cơ cấu lại nền kinh tế trong nửa đầu nhiệm kỳ rất rõ ràng. Đây là khởi động tuyệt vời cho giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hội nhập, theo chuyên gia.

Nửa đầu nhiệm kỳ, quy mô, tiềm lực nền kinh tế không ngừng mở rộng, tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng giai đoạn tiếp theo. Ảnh: minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN

Cơ cấu lại nền kinh tế giúp phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi toàn quốc, nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững.

Giai đoạn 2021-2023, Việt Nam thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng tưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và khó lường. Nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trong khi kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, quy mô, tiềm lực nền kinh tế không ngừng mở rộng khi theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 ước đạt hơn 9,5 triệu tỷ đồng; năm 2023 ước đạt hơn 10,2 - 10,3 triệu tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, trong tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, Việt Nam chọn 3 khâu đột phá: Thể chế, hạ tầng và nhân lực là rất đúng. Ông đặc biệt ấn tượng với kết quả cơ cấu lại đầu tư công.

Tất cả đều chuyển động

“Chúng ta làm bài bản hơn. Cơ chế chính sách uyển chuyển hơn giữa công và tư, nên kéo được khu vực tư nhân vào rất nhiều, từ đó tạo động lực mạnh hơn”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Động thái mới được thể hiện trong làm đường cao tốc. Báo cáo cho thấy, nửa đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đưa vào khai thác 659 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào sử dụng lên 1.822 km. Dòng vốn đầu tư công bước đầu phát huy vai trò là vốn mồi, dẫn dắt đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

Giai đoạn 2021-2023, 8 dự án PPP mới được triển khai, trong đó có 7 dự án lĩnh vực giao thông (làm cao tốc, sân bay quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C...). Thông qua các dự án này, dự kiến huy động trên 58,5 nghìn tỷ đồng vốn tư nhân.

“Chưa bao giờ, Việt Nam làm được nhiều đường cao tốc như bây giờ. Rồi làm sân bay và tới đây làm cảng biển, đường sắt cao tốc. Tất cả đều chuyển động thật, chứ không phải đặt ra, rồi khả năng bỏ xó”, theo lời ông Thiên.

Khâu đột phá về thể chế và nhân lực cũng có những dịch chuyển thực sự, với tầm nhìn chiến lược. Ông Thiên phân tích, tư duy làm luật đã có những thay đổi. Bên cạnh tháo gỡ, chỉnh sửa những quy định chồng chéo, xung đột, chúng ta chuyển hướng làm sao các quy định nhất quán.

Điển hình cho cải cách thể chế là tư duy làm Luật Quy hoạch, rồi làm quy hoạch tổng thể quốc gia. “Quy hoạch còn những ngổn ngang, nhưng cách nhìn về quy hoạch bắt đầu định hướng, với tầm nhìn quốc gia”, ông Thiên nhấn mạnh.

Nhà nước cũng có tầm nhìn xa về nhân lực, vì không thể dựa mãi vào lợi thế lao động giá rẻ. Khi một số tập đoàn lớn vào đầu tư tại Việt Nam, tạo ra những nhu cầu mới về công nghệ cao. Như thế, câu chuyện đặt hàng về đào tạo nhân lực tăng lên.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thấy một số bộ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, tập đoàn công nghệ của Việt Nam đã vào cuộc. Tuy nhiên, ông lưu ý, nhân lực phải gắn với thị trường cạnh tranh và đào tạo phải mang tính hệ thống.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đ.X

“Nhân lực là vấn đề rất khó, nhưng giờ đã có những tia sáng và khung hệ mở ra rất rõ, cần phải tiến hành khẩn trương”, ông Thiên nêu quan điểm, các tập đoàn phải tham gia, gắn với mục tiêu quốc gia như chuyển đổi số, sản xuất chip điện tử.

Chuyển hóa cơ hội thành lợi ích

Chuyên gia cũng sốt ruột khi nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Trước đòi hỏi của thực tế, Quốc hội đã yêu cầu năm 2024 phải đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công; khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu…

“Việt Nam thay đổi cấu trúc nền kinh tế hiện tại để tạo chân dung mới của tương lai”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, cơ cấu lại nền kinh tế để vận động theo nguyên tắc hiện đại, toàn cầu, để Việt Nam có thể chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và giúp người khác.

Với những quyết sách đưa ra, theo ông Thiên, chiến lược thu hút FDI mới và kinh tế số, kinh tế xanh là hai động lực mang tính dẫn dắt. Ông nói, sức hấp dẫn của Việt Nam với toàn cầu đã tăng lên, cam kết của Việt Nam về kinh tế xanh mạnh hơn rất nhiều. Điều này, tạo áp lực phát triển trong nước đúng hướng, từ đó tạo động lực, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Tất nhiên, thực hiện rất khó, không dễ tí nào, nhưng điều kiện và cơ hội đang mở ra. Chúng ta chuyển hóa được cơ hội thành lợi ích thì rất tuyệt vời”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ và cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện để biến những thách thức của đất nước thành cơ hội của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng phải duy trì được lòng tin, PGS.TS Trần Đình Thiên kết lại, mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu nền kinh tế là công nghệ cao, tăng trưởng xanh, hạ tầng hiện đại, đô thị thông minh. Nền tảng là nhân lực, hệ thống thể chế nhất quán, mang tính toàn cầu.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải: Cần chính sách đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải. Ảnh: P.Thắng  Chỉ riêng lĩnh vực chip bán dẫn, nước ta cần đào tạo khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2025-2030. Điều này cho thấy sự khát nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào. Khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất quan trọng, ngành sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao, sống còn của thế giới hiện đại như chất bán dẫn, chip, kim loại hiếm. Chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng nếu chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao đại bàng công nghệ có thể hạ cánh và đẻ trứng vàng? Tôi tin rằng Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số, nếu kịp thời có những chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo tôi, Chính phủ cần đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện rõ rệt năng suất lao động, tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Việt Nam phải xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XIII đề ra là trở thành nước phát triển vào năm 2045, chúng ta nhất thiết phải nỗ lực tham gia sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam phải xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số, thoát bẫy thu nhập trung bình, đủ sức để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: P.Thắng Nghị quyết Đảng xác định rất chính xác 3 lĩnh vực cần đột phá, là: Thể chế, hạ tầng và nhân lực. Xin lưu ý trong khi nỗ lực để đồng hành với thế giới, trong 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nhân lực có nhiều nội dung, nhiều bộ phận của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0 vẫn chưa có. Vì vậy, khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, cần thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước còn thiếu. Đây là thách thức lớn nhất của lãnh đạo và người dân trong quá trình nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Nếu không có chuyển biến đột phá và đồng bộ trong công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới tư duy và nhận thức, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy thực chất dân chủ xã hội, tin tưởng vào nhân dân, thu hút và trọng dụng hiền tài để thu hút vào đội ngũ cán bộ, công viên chức, tôi e rằng tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng, khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm