Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chờ được cứu, doanh nghiệp đã… khai tử

Thứ hai, 14/05/2012 - 21:15

(Thanh tra)- Với biên độ 3% (chênh lệch giữa huy động và cho vay), ngân hàng (NH) có thể đưa ra trần lãi suất thấp hơn mức 15%/năm hiện nay để phục vụ mục tiêu hạ lãi suất, cứu doanh nghiệp (DN). Theo tính toán của chuyên gia trong ngành NH, nếu tính bình quân, lãi suất tiền gửi chỉ rơi vào khoảng 9 - 11%, tùy NH, cộng biên độ 3% thì trần lãi vay chỉ khoảng 12 - 14% chứ không phải mức 15% hiện nay. Thế nhưng, DN vẫn khó tiếp cận vốn vay.

* NHTM mua tín phiếu lên hơn 80.000 tỷ đồng

Thủ thế an toàn và lợi nhuận cao


Thông tư 14 của NH Nhà nước (NN) Việt Nam quy định áp trần lãi suất cho vay không quá 15%/năm (kể từ ngày 8/5/2012) với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN nhỏ và vừa; các NH phải niêm yết công khai lãi suất cho vay với từng lĩnh vực cụ thể.

DN phải đáp ứng các điều kiện như: Tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, trong 12 tháng qua không có nợ xấu, có báo cáo kiểm toán... Thực tế, trong bối cảnh gồng mình gánh chịu lãi suất cao suốt thời gian dài và đầu ra của hàng hóa bị sụt giảm nghiêm trọng, rất ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa có tình hình tài chính lành mạnh, không bị nợ xấu ở NH…

Đẩy nhanh việc giảm lãi suất

NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng; ưu tiên tín dụng đối với DN trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; khẩn trương có biện pháp phân loại và cơ cấu lại nợ gắn với việc cơ cấu lại các NHTM yếu kém.

Nguồn: Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012
Chưa kể, nhiều DN vay vốn chủ yếu để trả nợ chứ không phải sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, nhiều NH thương mại (TM) ngại cho vay để hạn chế rủi ro. Hoặc nếu cho vay, sẽ thu thêm các loại phí khiến DN phải trả ngoài lãi suất lên cao. Hầu hết để an toàn vốn, nhiều NH đổ tiền vào mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu với khối lượng lớn trên thị trường mở (OMO), mặc dù lãi suất tín phiếu đã giảm xuống 5,8 - 10,23%/năm. Chỉ tính từ ngày 15/3 đến nay, lượng vốn NHTM bỏ ra mua tín phiếu đã lên hơn 80.000 tỷ đồng.

Mặt khác, do trần lãi suất cho vay 15%/năm chỉ áp dụng cho vay ngắn hạn và đối tượng cho vay hẹp, nên các NHTM vẫn khai thác triệt để cho vay theo lãi suất thỏa thuận vì chênh lêch lợi nhuận giữa huy động và cho vay tới 7 - 10%. Kênh hấp thụ nguồn vốn giá cao này đang hấp dẫn NH là cho vay tiêu dùng vẫn ở mức 19 - 20%/năm.

Cũng vì thế, nhiều NHTM, với lý do chưa đến kỳ hạn nợ, đẩy điều chỉnh lãi suất tới 6 tháng… để gây khó dễ cho DN. Nhiều DN bất động sản cho biết, vì quá khó khăn, hàng tồn đọng lớn, nợ NH lãi mẹ đẻ lãi con tăng từng ngày buộc lòng phải “gá nợ” cả dự án, dù ở vị trí đắc địa, nhưng NH định giá quá thấp nên càng lỗ lớn.

Phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ

Điều đáng nói là, trong khi lãi suất cho vay có thể hạ được nữa, NHNN chỉ áp trần cho vay 15% cho một số ít đối tượng, còn lại là “thả nổi” đầu ra, các NHTM thoải mái cho vay thỏa thuận với khách hàng. Điều này khiến mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay khó có thể hạ theo kỳ vọng. NHTM nắm tiền và độc quyền cung ứng vốn cho nền kinh tế thì người đi vay làm gì có có quyền mặc cả với lãi suất thấp.

Khó khăn chủ yếu của các DN hiện nay là chi phí đầu vào cao, hàng tồn kho lớn, nếu giảm được chi phí, nhất là lãi suất NH, tiếp cận được vốn vay thì sẽ hạ được giá thành, kích thích được tiêu thụ sản phẩm, tăng vòng quay đồng vốn. Qua đó, DN phục hồi được sản xuất và có nguồn trả nợ NH. Trong khi đó, NH sợ rủi ro, DN không đáp ứng được điều kiện vay, thậm chí còn bị làm khó dễ thì làm sao để NH cùng chia sẻ và gỡ khó cho DN được.

Vì vậy, nhất thiết phải có sự can thiệp của NHNN trong việc giám sát việc thực hiện cho vay theo trần lãi suất, cũng như hỗ trợ các NHTM và DN trong việc cơ cấu lại nợ.

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp, quan trọng nhất phải thực hiện việc khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN, đặc biệt dành cho DN vừa và nhỏ tạo điều kiện để họ tiếp cận được vốn tín dụng.

NHNN cũng cần quy định những tiêu chí cụ thể để NHTM dễ vận dụng, tránh tình trạng mỗi NH đưa ra một quy định riêng khiến đối tượng được ưu tiên sẽ khó tiếp cận được hỗ trợ.

Hơn nữa, nếu bắt buộc phải can thiệp thì NHNN nên áp trần lãi suất cho vay chung với cả thị trường lãi suất (chênh lệch đầu vào, đầu ra 0,3%) mới bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, dễ kiểm soát, người vay mới không bị làm khó, có cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có 24.000 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và 14,1% vốn so với cùng kỳ 2011. Trên 17.700 DN làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động trong khoảng thời gian nêu trên, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

 
Minh Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm