Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ thích khoe những con số

Thứ ba, 16/10/2012 - 14:08

(Thanh tra)- Du lịch Việt Nam mãi ham khoe những con số tại các diễn đàn du lịch hay các hội chợ du lịch quốc tế trong khi khách hàng chỉ muốn biết cụ thể Việt Nam có những gì hấp dẫn, điều gì thú vị sẽ chờ đợi họ, buộc họ phải đến đây…

Làng cổ Đường Lâm - Điểm đến hấp dẫn du khách của thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hoàng

Tổng cục Du lịch từng đề xuất cơ chế, mỗi du khách đến Việt Nam sẽ dành 1 USD cho các hoạt động quảng bá ở trong và ngoài nước. Nếu thực hiện, năm qua, với 6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, ước tính sẽ có 6 triệu USD (trên 120 tỷ đồng) cho chiến dịch tiếp thị hình ảnh du lịch Việt. Trong khi đó, năm 2011 ngân sách cho hoạt động xúc tiến du lịch (XTDL) chỉ có 35 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2012, con số đó bị tụt xuống còn 30 tỷ đồng, tương đương 1,5 triệu USD, không đủ cho việc XTDL trong khi đó Saigontourist đã chi cho XTDL mỗi năm 104 tỷ, còn Vietravel là 36 tỷ đồng. Do đó, cảnh “giật gấu vá vai” trong công tác quảng bá du lịch lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn với lý do thiếu kinh phí.
 
Hội nghị Du lịch châu Á thường niên lần thứ XI do Hội đồng XTDL châu Á vừa tổ chức đã đưa ra một số vấn đề khá xác đáng như để hỗ trợ thông tin du lịch hiệu quả, ngoài đầu tư cho các website, cần chú ý đến marketing trên các trang mạng xã hội vốn sâu rộng toàn cầu. Sức mạnh của các trang mạng xã hội là không thể đo đếm, nó có sức lan tỏa, thay thế cho tờ rơi truyền thống. Cũng phải tính đến việc xem xét miễn thị thực ở một số thị trường, coi đó là cách tạo thêm nhiều cơ hội và Việt Nam cần nhanh chóng mở các văn phòng đại diện tại các quốc gia. Hiện, Tổng cục Du lịch đang gấp rút hoàn thành đề án thành lập văn phòng XTDL tại Nhật Bản vào năm 2013.

 Vì thế, chẳng có gì lạ khi các Cty lữ hành thường than thở, các cuộc tham dự hội chợ du lịch quốc tế là cơ hội ngàn vàng cho các Cty bán tour, giới thiệu du lịch trong nước, nhưng tại các sự kiện này Tổng cục Du lịch luôn lúng túng, không đủ kinh phí tổ chức các hoạt động phụ trợ thu hút tại đây.

Ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Vấn đề mấu chốt trong bài toán cắt giảm này là ngành Du lịch làm thế nào để sử dụng hiệu quả số tiền ít ỏi. Cách quảng bá du lịch như in tờ rơi, trưng bày một số đặc sản ở hội chợ… đã quá lạc hậu. Hiện nay, công nghệ hiện đại đã giúp cho việc XTDL tiến những bước dài, nhưng nhìn vào trang web du lịch Việt Nam, cách tổ chức, giao diện kém, cách tiếp thị hình ảnh ở các trang cũng thiếu ấn tượng…”.

Đấy là chưa kể, du lịch Việt Nam mãi ham khoe những con số tại các diễn đàn du lịch hay các hội chợ du lịch quốc tế như vẽ ra cho khách hàng xem kế hoạch, chiến lược phát triển, hàng năm đón bao nhiêu khách… Trong khi khách hàng chỉ muốn biết cụ thể Việt Nam có những gì hấp dẫn, điều gì thú vị sẽ chờ đợi họ buộc họ phải đến đây thì lại không biết cách tiếp thị. Vấn đề XTDL vì thế nằm ở tư duy tiến hành, chứ cũng chưa hẳn dựa hoàn toàn vào việc thiếu nguồn vốn. Có rộng rãi kinh phí đến mấy mà cách tổ chức nghiệp dư như bấy lâu thì khó XTDL thành công.

Để quảng bá du lịch hiệu quả cả trong và ngoài nước, cần phối hợp liên ngành, liên vùng để đưa ra một hình ảnh du lịch hệ thống, gắn kết, đem đến cho du khách hình ảnh thú vị toàn diện trong các tour của họ. Đơn cử như Hà Nội, năm 2011 là một năm thành công về thu hút khách quốc tế. Mục tiêu cả năm 2012, Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, tính đến hết 9 tháng đã cán mốc 1,6 triệu lượt khách nước ngoài. Để đạt được kết quả này, công tác XTDL của Hà Nội có nhiều bước tiến quan trọng, tích cực phối hợp liên ngành, liên tỉnh đưa ra các tour hấp dẫn. Với đà tăng trưởng này, Hà Nội phấn đấu năm 2015 thu hút 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 14 triệu lượt khách nội địa mỗi năm, doanh thu từ du lịch đạt 2,1 tỷ USD.

Ngành Du lịch phấn đấu đến năm 2020 có 12 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu du khách nội địa. Để đạt mục tiêu đề ra, chiến lược XTDL cần phải đổi mới toàn diện, tận dụng mọi phương thức đa dạng của nền công nghệ, với sức mạnh lan tỏa của nó, đang là công cụ đắc lực được đánh giá là số 1 hiện nay.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm