Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần sự hậu thuẫn của Nhà Nước

Thứ năm, 17/03/2011 - 09:09

(Thanh tra)- Nhìn vào biểu đồ giá thuốc của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, giá thuốc liên tục tăng cao. Nguyên nhân là 90% nguyên liệu và thuốc đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn dược liệu tiềm năng và phong phú. Việc tận dụng được nguồn dược liệu tiềm năng trong nước sẽ giúp cho ngành công nghiệp dược lợi đủ bề. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự hậu thuẫn của Nhà nước.

Ảnh minh hoạ

Nhường sân cho nước ngoài
    
Dù có điều kiện phát triển và số lượng doanh nghiệp (DN) dược ngày càng nhiều, nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công nghiệp dược Việt Nam mới ở mức đang phát triển. Nếu nhìn vào con số 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, khách quan mà nói, ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn ở mức phát triển trung bình thấp. Các dược liệu được nhập chủ yếu là nguyên liệu kháng sinh, vitamin chiếm 80% giá trị nhập khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia chiếm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu dược nhiều nhất vào Việt Nam, tương ứng khoảng 25% và 21%. Với việc biến động mạnh tỷ giá ngoại tệ vừa qua đã khiến hầu hết DN dược phải gánh chịu những khoản lỗ do tỷ giá tăng đột biến. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu.
  
Trong khi DN nội địa, do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu nên chủ yếu sản xuất thuốc thông thường, thì các DN dược nước ngoài hiện diện ở tất cả phân khúc, từ thuốc phổ thông cho đến thuốc đặc trị. Hầu hết các tập đoàn dược đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu dưới hình thức văn phòng đại diện và ủy quyền cho các Cty dược trong nước để nhập khẩu hàng, sử dụng các nhà phân phối nước ngoài để phân phối tới nhà thuốc bán lẻ. Như vậy, các tập đoàn dược nước ngoài gia tăng thị phần tại Việt Nam nhờ vào những lợi thế về tài chính và sản phẩm, đã đẩy mạnh chi hoa hồng ở mức cao cho các bệnh viện và nhà phân phối, cũng như tăng cường tài trợ cho các trường y - dược, các cuộc hội thảo khoa học… Đây là những DN thực sự nắm giữ thị trường phân phối cả nước, hệ thống đại lý, khách hàng và nhân viên thương mại (trình dược viên) của họ đông đảo và rất mạnh. Doanh số của các DN này đạt từ 100 tỷ đồng cho đến hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đây cũng chính là lực lượng ảnh hưởng nhiều đến giá thuốc tại Việt Nam, đặc biệt 3 hãng lớn nhất Zuellig Pharma, Mega Product và Diethelm. Mặc dù theo cam kết WTO, quyền phân phối dược thuộc về phía Việt Nam, tuy nhiên các DN dược nước ngoài đã tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình phân phối.

Trình độ kỹ thuật, công nghệ còn thấp
     
Nhiều năm qua, Chính phủ đã tạo điều kiện cho các DN dược trong nước đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. 3 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 2.000 loại thuốc mới đăng ký và được cấp phép lưu hành, so với thời điểm những năm trước đó chỉ khoảng 700 sản phẩm mới được đăng ký mỗi năm. Hiện nay, cả nước có khoảng 178 DN sản xuất dược phẩm, trong đó gần 100 DN Đông dược. Ngoài ra, còn có 6 DN dược sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế. Trong đó, tỷ lệ DN dược đạt chuẩn GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt nhà thuốc) chiếm trên 50%. Chưa có DN sản xuất Đông dược nào đạt GMP. Theo đánh giá của WHO, ngành dược Việt Nam mới đang ở bậc 2,5/5 của thang bậc công nghệ.
   
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam chỉ phát triển dựa trên những lợi thế có sẵn, chưa được chú trọng đầu tư hoặc đầu tư “dẫm chân” nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Hải Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội, hầu hết nhà máy sản xuất thuốc tân dược đã đạt tiêu chuẩn GMP, nhưng trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất thuốc còn thấp và chưa được đầu tư đúng hướng. Hiện tượng đầu tư trùng lặp còn phổ biến. Chẳng hạn, phần lớn DN chủ yếu sản xuất thuốc generic (các loại thuốc đã hết bản quyền công nghệ gốc) có giá trị không cao, chiếm tới 69% tổng thị trường thuốc với các chủng loại liên quan đến thuốc kháng sinh, thuốc thông thường, vitamin, giảm đau, hạ sốt. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), có tới 260 tên thuốc trên cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau; 223 tên thuốc vitamin, thuốc bổ. Trên thực tế, thuốc nội chiếm tỷ trọng 51% về số lượng bán, nhưng chỉ chiếm 15% về giá trị tiêu thụ trong kênh phân phối điều trị.
Cần sự hậu thuẫn của Nhà nước
   
Thống kê của Cục Quản lý Dược cho thấy, nước ta có tới gần 4.000 cây thuốc có thể dùng sản xuất thuốc trực tiếp hoặc tách chiết hoạt chất bào chế thuốc thành phẩm. Trong đó có khoảng 200 loài cây được sử dụng khá phổ biến trong dược hiện đại cũng như dược cổ truyền. Nhưng ngay cả trong 200 loại dược liệu này không ít cây ngành dược trong nước vẫn phải nhập khẩu của Trung Quốc. Để khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có này, các chuyên gia y - dược cho rằng, cần có sự đầu tư đồng bộ: Chính sách, vùng nguyên liệu, công nghệ và con người. Hiện nay, tất cả yếu tố này hầu hết còn rất yếu và thiếu.
    
Yêu cầu phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất, nhất là các loại biệt dược không có cách nào khác là phải đầu tư cho công nghệ chiết xuất tinh khiết các hoạt chất trong dược liệu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất một hoạt chất dược mới rất tốn kém và mất thời gian, khoảng 10 năm cho một hoạt chất dược, trong khi ngân sách của Nhà nước cũng như của DN dành cho công tác nghiên cứu còn rất hạn chế. Hơn nữa, các DN phải chạy theo nhu cầu trước mắt của thị trường và hạn chế về trình độ nhân lực, công nghệ nên chỉ nhập công nghệ để sản xuất thuốc thông thường. Vì vậy, cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nhà nước qua chính sách vĩ mô phát triển vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế cho các DN nghiên cứu, đầu tư công nghệ chiết xuất. Và, điều quan trọng là, để phát triển công nghiệp dược, việc phối hợp 4 nhà (nhà cung cấp nguyên liệu, nhà khoa học, DN và Nhà nước) là xu hướng tất yếu, có tính quyết định.
    
Nếu ngành công nghiệp này phát triển, tận dụng được lợi thế nguồn nguyên liệu dược trong nước để sản xuất thuốc sẽ mang lại nhiều lợi ích: Không chỉ tiết kiệm được ngoại tệ, khỏi phụ thuộc nước ngoài trong bối cảnh giá cả tăng, phát triển được vùng nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho nông dân miền núi, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, thị trường chủ động được nguồn thuốc chất lượng với giá cả hợp lý, chiếm lĩnh được thị phần sân nhà, khi mà dân số Việt Nam được dự báo từ 86 triệu người hiện nay sẽ tăng lên khoảng 100 triệu dân vào năm 2018.

Hà Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chu Tuấn

18:30 12/12/2024
Bộ Giao thông Vận tải bàn cách giải ngân gần 23.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải bàn cách giải ngân gần 23.000 tỷ đồng

(Thanh tra) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, quá trình thực hiện, được giao bổ sung 18.815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ GTVT là 75.481 tỷ đồng.

Trần Quý

18:29 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm