Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm

Thứ năm, 09/05/2013 - 08:17

(Thanh tra)- Từ năm 2009 đến nay, nghề nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm đã được triển khai thành công ở tỉnh Thái Nguyên, nhất là tại một số xã ven dãy Tam Đảo (huyện Đại Từ) và vùng núi Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai).

Từ những thành công ban đầu, sau khi được chuyển giao quy trình nuôi cá tầm từ Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên đã có ít nhất 2 doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng quy mô cơ sở nuôi cá tầm tại xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) và xã La Bằng (huyện Đại Từ).

Tuy vậy, chỉ sau vài lứa cá tầm đầu tiên sản xuất tại địa phương đưa ra thị trường với mức giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg và được khách hàng đón nhận khá tốt, thì kể từ đầu năm 2013 đến nay, việc tiêu thụ cá gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do trên thị trường Thái Nguyên tràn ngập cá tầm giá rẻ, giá bán lẻ chỉ từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Một số chuyên gia về thủy sản cho rằng, đây chính là loại cá tầm nhập lậu từ biên giới phía Bắc đổ về...

Anh Trần Ngọc Phúc, chủ cơ sở nuôi cá tầm ở xóm Kẹm, xã La Bằng cho biết, anh cùng một vài người thân góp vốn nuôi cá tầm với 4 bể nuôi đạt tiêu chuẩn, bình quân mỗi lứa nuôi từ 800 - 1.000 con, giống chủ yếu nhập từ các trại giống ở Tam Đảo và Sa Pa. Đầu năm ngoái, cá nhà anh còn không đủ bán với giá trên 200.000 đồng/kg. Song, chỉ từ giữa năm 2012, khách đặt hàng cứ thưa dần và đến cuối năm ngoái không còn nhà hàng nào ở TP Thái Nguyên - địa bàn tiêu thụ chính đặt mua. Qua tìm hiểu, anh thấy các nhà hàng đều dùng loại cá tầm Trung Quốc, mõm nhọn hơn cá tầm nuôi trong nước, không giống với giống cá tầm anh nuôi nhưng giá nhập vào chỉ độ 120.000 đồng/kg… Do tiêu thụ chậm nên cơ sở nuôi cá tầm của anh phải nuôi cầm chừng, đem ra huyện vận động bán lẻ với mong muốn đủ cầm cự mua thức ăn cho đàn cá thả sau. Đợt nghỉ lễ 30/4 vừa rồi, dù đã mở thêm dịch vụ phục vụ khách tiêu thụ ngay tại cơ sở nuôi nhưng lượng cá tiêu thụ cũng chỉ đạt vài chục kg...

Cơ sở nuôi nhỏ đã vậy, tại cơ sở nuôi cá tầm theo quy mô công nghiệp của Công ty Cổ phần Tuấn Vinh ngay bên cạnh khu vực nuôi của anh Phúc, tình hình tiêu thụ còn khó khăn hơn. Với công suất nuôi từ 8.000 - 10.000 con cá tầm/lứa, hiện tại ở đây vẫn còn hơn 2.500 con đã đến thời điểm xuất bán (trọng lượng từ 2 - 3 kg/con) nhưng chưa tìm được mối tiêu thụ, dù doanh nghiệp đã hạ giá thành xuống mức thấp nhất (170.000 đồng/kg).

Anh Nguyễn Mạnh Thơm, quản lý trại nuôi cho biết: Để đầu tư 14 bể nuôi cá, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng, nếu giá bán như hiện nay doanh nghiệp không có lãi. Cá không bán được nhưng hàng ngày vẫn phải chăn trên 1 tạ thức ăn với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Do đó, để duy trì cơ sở nuôi cá tầm, trước mắt doanh nghiệp tự tìm đầu mối tiêu thụ, đưa từng con cá tới tay khách hàng có nhu cầu và đang tính thêm phương án đầu tư tiêu thụ cá ngay tại chỗ kết hợp dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái...

Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên chia sẻ: Để xây dựng các mô hình và hoàn thiện quy trình nuôi cá tầm hoàn chỉnh, chuyển giao sang các hộ, doanh nghiệp nuôi thành công giống cá mới này rất kỳ công và tốn khá nhiều kinh phí. Dù quy mô nuôi cá tầm còn nhỏ nhưng các cơ sở nuôi cá tầm ở Thái Nguyên có thể cung ứng ra thị trường hàng chục tấn cá/năm. Bước đầu, bà con nông dân một số xã có điều kiện tự nhiên nuôi cá nước lạnh tốt ở huyện Đại Từ như: Quân Chu, Cát Nê, Hoàng Nông, Mỹ Yên... đã rất quan tâm tới việc nuôi cá tầm. Song, với tình hình tiêu thụ khó khăn và bị cá tầm không rõ nguồn gốc lấn át như hiện nay, nhiều hộ đành tạm dừng dự án đầu tư, gây lãng phí rất lớn. Do vậy, để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con, nhất là nông dân miền núi, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thủy sản hàng hóa trên thị trường, tránh để tình trạng cá tầm lậu, cá không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán, tiêu thụ tràn lan như hiện nay.

Đáng tiếc, khi chúng tôi tìm đến Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên để tìm hiểu về một số vấn đề xung quanh công tác quản lý hàng hóa, nhất là động vật, sản phẩm động vật, gia cầm, thuỷ sản nhập lậu, Chi cục Trưởng đã "đá" trách nhiệm sang ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; đồng thời yêu cầu phóng viên phải có đề cương, câu hỏi gửi cho trước mới trả lời câu hỏi có hay không có tầm nhập lậu ở Thái Nguyên.


Hoàng Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm