Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần có phương án xử lý diện tích rừng keo đang già cỗi

Minh Tân

Thứ hai, 30/09/2024 - 12:52

(Thanh tra) - Hàng nghìn ha rừng keo đang già cỗi đứng trước nguy cơ chết khô, mục ruỗng, gãy đổ. Nếu như không có biện pháp xử lý thì hàng nghìn ha rừng keo hơn 20 năm tuổi sẽ chỉ còn trên giấy, gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Những rừng keo với khoảng 20 năm tuổi đang gãy đổ, chết dần. Ảnh: Minh Tân

Quảng Trị hiện có hàng nghìn ha rừng keo được trồng từ các chương trình, dự án nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái… Tuy nhiên, kể từ khi Quảng Trị tiến hành quy hoạch 3 loại rừng, thì một số diện tích rừng trồng được quy hoạch thành rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do các Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH), các Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBT TN) quản lý, bảo vệ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, những rừng keo trên dưới 20 năm tuổi đang trong tình trạng chết khô, mục ruỗng, gãy đổ chưa rõ nguyên nhân. Có nơi tỷ lệ chết lên đến 30 - 40%.

Theo thống kê của BQL RPH Lưu vực sông Thạch Hãn cho thấy, hiện tổng diện tích rừng phòng hộ dự án Jbic, chương trình dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (661) của đơn vị đang quản lý trên 2.300 ha.

Đa phần những rừng keo được trồng từ các dự án, chương trình từ 20 năm trước. Ảnh: Minh Tân

Đa phần những diện tích này được trồng từ năm 2003, 2004 đến nay đã hơn 20 năm. Trong khi đó, chu kỳ của loại cây keo ngắn, chỉ hơn 10 năm đã thu hoạch.

Ông Trương Quang Ngọc, Phó Giám đốc BQL RPH lưu vực sông Thạch Hãn cho biết, trước tình trạng cây keo trên diện tích rừng trồng này chết hàng loạt, đơn vị đã chỉ đạo các tổ đội, các phòng liên quan rà soát, tổng hợp. Qua đó, cho thấy diện tích rừng trồng của dự án Jbic với trên 2.000ha đã chết rải rác với khoảng 40% diện tích.

“Cây keo trồng đến nay đã hơn 20 năm và quá thời thời kỳ thành thục tự nhiên. Nếu như không xử lý sớm thì các diện tích rừng Jbic trên 2.000ha này sẽ chết và chết đồng loạt”, ông Ngọc bày tỏ.

Tương tự, tại BQL KBT TN Đakrông, hiện có gần 980ha rừng trồng giai đoạn 2005 - 2015 tại 7 tiểu khu với phương thức hỗn giao theo băng, đám giữa trồng cây chính (lát hoa, thông nhựa, sao đen) và cây phụ trợ là cây keo tai tượng. Trong đó, rừng trồng theo dự án Jbic là trên 319ha, rừng 661 là 350ha và rừng trồng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (886) là 310ha.

Những cây keo quá tuổi đã bắt đầu gãy đổ, mục ruỗng. Ảnh: Minh Tân

Sau thời gian, toàn bộ diện tích rừng trồng hỗn giao ở các khu vực nói trên hiện còn chủ yếu là cây phù trợ (keo tai tượng) và rải rác là sao đen, thông nhựa, riêng cây lát hoa không còn. Kết quả kiểm tra, rà soát hiện trường cho thấy cây sao đen sinh trưởng, phát triển kém, nguyên nhân là do bị cây keo lấn át về không gian dinh dưỡng, ánh sáng. Ngoài ra, khu vực này còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thả rông gia súc (trâu, bò) của người dân 2 huyện là Hải Lăng, Đakrông và thị xã Quảng Trị.

BQL KBT TN Đakrông cho biết, bên cạnh đó, nhiều diện tích cây keo đã đến thời kỳ thành thục sinh học, từ đó mất khả năng phòng hộ, rất dễ gãy đổ vào mùa mưa bão và cháy rừng vào mùa khô hạn làm ảnh hưởng đến khả năng tái sinh phục hồi rừng tự nhiên và gây lãng phí đến hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, dưới tán rừng keo hệ động, thực vật rừng tự nhiên có giá trị đa dạng nguồn gen, giá trị về khoa học... rất khó tái sinh, sinh trưởng, phát triển.

Trước thực trạng đó, BQL KBT TN Đakrông cũng đã đề xuất chủ rừng thực hiện biện pháp lâm sinh phù hợp trên khu vực rừng trồng hiện đang là loài cây phụ trợ thuộc phân khu phục hồi sinh thái bằng cây bản địa tại KBT TN Đakrông.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị Phan Văn Phước cho biết thêm, trước thực trạng trên, về phía ngành cũng đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị để tỉnh báo cáo các bộ, ngành Trung ương, trực tiếp là Bộ NN&PTNT để có định hướng chỉ đạo xử lý. Vì theo quy định hiện nay, quy định khung hành làng pháp lý và chính sách thì việc khai thác, thanh lý diện tích RPH do các nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì vẫn chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.

Các cán bộ KBT TN Đakrông đang khoanh vùng, kiểm đếm những diện tích cây keo bị gãy đổ, mục ruỗng. Ảnh: Minh Tân

“Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị để có những kiến nghị lên bộ, ngành Trung ương sớm ban hành quy định thanh lý rừng khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Về phía địa phương, sở cũng đã có những chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng thường xuyên quản lý chặt chẽ diện tích lâm phần được giao. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, giám sát, khoanh định lại các diện tích cụ thể để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trong thời gian tới”, ông Phan Văn Phước thông tin.

Có thể nói, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quy hoạch 3 loại rừng trước đây chưa cao, chưa đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế, xã hội cũng như chưa thúc đẩy các mô hình phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững đảm bảo hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái.

Với thực trạng hàng ngàn ha rừng keo tại các BQL RPH Khu Bảo tồn trên địa bàn tỉnh đã quá thời kỳ khai thác, bị già cỗi, gãy đổ ngày càng nhiều như hiện nay rất cần có những biện pháp lâm sinh bền vững không để lãng phí tài nguyên, tài sản của Nhà nước cũng như có kế hoạch khôi phục và phát triển rừng theo hướng bền vững.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm