Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các công ty khai thác công trình thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn do vướng quy định

Hoàng Nam

Thứ năm, 02/11/2023 - 16:11

(Thanh tra) - Sáng 2/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi. Nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ và phát triển bền vững.

Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 02/11/2023. Ảnh: Hoàng Nam

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Việt Nam thành công trong lĩnh vực an ninh lương thực có nhiều nguyên nhân và lý do, nhưng quan trọng nhất đó là hệ thống thủy lợi khác biệt với các nước.

Công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%). Trong đó, hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất.

Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng cộng suất 2.100 MW (trong đó: thuỷ điện công suất 800MW, điện mặt trời công suất 1500 MW).

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, mục tiêu của Luật Thủy lợi là nâng cao năng lực, củng cố hoạt động của các công ty khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo định giá đúng các loại dịch vụ để chuyển từ phục vụ sang dịch vụ để có thể khai thác và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng thủy lợi. Thế nhưng, các điều kiện và các vấn đề của thể chế thì chưa đảm bảo, nên các công ty khai thác công trình thủy lợi đang ngày càng khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ảnh: Hoàng Nam

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận diện và chỉ ra những khó khăn hiện nay đối với các đơn vị vận hành và khai thác công trình thủy lợi là: Sự thay đổi về chính sách chưa đáp ứng được với tình hình hiện tại; công tác xây dựng đơn giá dịch vụ còn nhiều khó khăn, bất cập; các quy định về phân cấp quản lý đối với các công trình thủy lợi đang có vấn đề, do rất nhiều công trình thủy lợi không còn hồ sơ, không định giá được giá trị để bàn giao cho các công ty; về quản lý an toàn hồ đập, Nghị định 114 đã quy định rất rõ về 16 nội dung về an toàn hồ đập, nhưng thực tiễn thì còn rất nhiều vấn đề hạn chế và quy định về tài chính, chế độ, chính sách cho người lao động.

Qua các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, có rất nhiều tồn tại, vướng mắc và có nhiều vấn đề phải đối mặt như: các công trình thủy lợi đã xây dựng từ quá lâu, đến nay đã xuống cấp trầm trọng; cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; nguồn lực tài chính hạn chế, việc cấp bù thủy lợi phí 10 năm qua về cơ bản không thay đổi, nguồn thu không đủ chi nên các công trình thủy lợi càng ngày càng xuống cấp do thiếu kinh phí bảo trì.

Việc khai thác đa mục tiêu đối với các công trình thủy lợi chưa được đẩy mạnh do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hiện các công ty mới khai thác chưa được 30% các sản phẩm dịch vụ thủy lợi với doanh thu khoảng 300 tỷ. Trong khi các công ty còn chậm đổi mới, nhiều đơn vị cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số còn rất hạn chế.

Để tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, theo ông Hiệp, trước hết, các đơn vị trong Bộ NN&PTNT phải chủ động tham mưu, đề xuất. Trong đó, Cục Thủy lợi phải chủ trì, phối hợp với các cục, vụ thuộc Bộ Tài chính để sửa đổi các quy định còn bất cập, cụ thể, đến đầu quý II/2024 phải thực hiện sửa đổi xong Nghị định 96/2018/NĐ-CP; đối với các nghị định 129/2017/NĐ-CP, 32/2019/NĐ-CP và 114/2018/NĐ-CP cần tiếp tục đề xuất sửa đổi.

Đồng thời, Cục Thủy lợi nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo bộ để trình Thủ tướng ban hành văn bản về nâng cao năng lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các công ty khai thác công trình thủy lợi, trong đó, đề nghị phải có sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và bản thân các công ty để cùng giải quyết nhưng khó khăn đang đặt ra.

Ngoài ra, Cục Thủy lợi cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, hoàn thiện lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức để phục vụ cho công tác xây dựng giá dịch vụ thủy lợi sau này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp, đề xuất sửa đổi các quy định đối với lĩnh vực tài chính, thủy lợi.

Công ty khai thác công trình thủy lợi phải nghiêm túc nhìn lại chính mình, tính toán lại, rà soát đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo kinh phí thu - chi, kinh phí hỗ trợ, cơ cấu lại nguồn thu- chi để đảm bảo hoạt động hiệu quả; phải có chiến lược, tầm nhìn để xây dựng mục tiêu, kế hoạch… qua đó sàng lọc, tổ chức, sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các công ty; chủ động hoàn thiện định mức kỹ thuật của mỗi đơn vị; rà soát lại các sản phẩm dịch vụ, khai thác các sản phẩm dịch vụ khác tăng thêm để tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trước mắt.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm