Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bứt phá kinh tế với đường cao tốc

Thứ sáu, 25/02/2011 - 21:25

(Thanh tra)- Khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển chiều sâu của thời kỳ đổi mới, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ở mức cao, cơ sở hạ tầng phải đi trước, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc cần có sự phát triển vượt bậc.

 Nếu vốn cũng “cao tốc”

Đáp ứng yêu cầu đưa đất nước phát triển thành một nước công nghiệp vào năm 2020 là kế hoạch lớn của quốc gia và mạng đường bộ cao tốc sẽ được đầu tư xây dựng rất lớn, rất khẩn trương. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó mạng đường bộ cao tốc Việt Nam bao gồm 43 tuyến có tổng chiều dài 5.873km, với tổng mức đầu tư dự kiến 766.220 tỉ đồng.

Cũng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức đi vào hoạt động theo mô hình thí điểm là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia trên hình thức kinh doanh hoàn vốn. Bước phát triển tiếp theo, VEC được Chính phủ cho phép chuyển đổi thành tổng Cty.

Việc hình thành VEC là yêu cầu tất yếu để thu hút thêm các nguồn vốn khác như vốn OCR, vốn trái phiếu công trình để bù đắp vào lượng vốn đang thiếu hụt. Hơn nữa, việc thành lập VEC cũng là chủ trương để hiện thực xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông và các dịch vụ hai bên đường bộ cao tốc, giảm áp lực cho Chính phủ và các bộ, ngành.

Chủ trương này là hết sức đúng đắn và phù hợp với giai đoạn phát triển ngày càng sâu rộng của đất nước hiện nay. Trên thực tế, nhiệm vụ giao cho VEC là quá lớn, nhưng nguồn vốn giao lại quá ít nên đã, đang làm cho VEC hoạt động rất khó khăn, mất cân đối giữa vay nợ và vốn sở hữu.

Việc huy động vốn thông qua đẩy mạnh xã hội hóa và các nhà tài trợ khác cũng không phải một sớm một chiều, nói là làm ngay được vì VEC là một doanh nghiệp Nhà nước thì việc hợp tác với ai, vay vốn của ai phải được sự chấp thuận của các bộ, ngành. Ngay việc hợp tác kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đường bộ cao tốc, hầu như chưa có nhà đầu tư nào tham gia.

Hiện, VEC đã chuẩn bị đầu tư được 5 D.A đường bộ cao tốc với chiều dài 546 km, gồm: Cầu Giẽ- Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành. Tổng mức đầu tư của các D.A này lên tới khoảng 103.000 tỷ đồng.

Trong đó, 3 D.A dài 350 km đã khởi công xây dựng và đạt từ 10 - 75% khối lượng. Đến nay, Bộ Tài chính mới bảo lãnh cho VEC được 1.400/8.900 tỷ đồng của D.A Cầu Giẽ - Ninh Bình và 2.000/2.500 tỷ đồng tuyến Nội Bài - Lào Cai. D.A Cầu Giẽ - Ninh Bình, đã hoàn thành được 75% khối lượng và dự kiến hoành thành cả D.A trong năm 2011 nếu được bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình. Các D.A khác lần lượt sẽ được hoàn thành vào các năm từ 2013 - 2016.


Bên cạnh đó, khó nhất là tỷ lệ nợ trên vốn cao, các dự án (D.A) có sử dụng vốn trong nước gặp khó trong việc huy động vốn do lãi suất cao hơn dự kiến và chưa được sự bảo lãnh nên không được phát hành. Vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời rất có thể VEC sẽ phải dừng thi công một số D.A dù D.A đó đã đạt được 2/3 khối lượng công trình. Điều này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, D.A không thể về đích, không thể thu hồi vốn và giảm đi rất nhiều hiệu quả công trình.
                                                   
Cần một cơ quan chuyên trách

546km đường bộ cao tốc hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015 là mục tiêu khá khó khăn chờ đợi phía trước. Nhưng ngay cả khi thuận buồm xuôi gió, với số lượng các đoạn tuyến đường bộ cao tốc đang thực hiện cho thấy việc đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia hiện mới đang ở giai đoạn hình thành, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, để hoàn thành kế hoạch xây dựng mạng đường bộ cao tốc theo đúng quy hoạch, cần phải có một cơ quan chuyên trách tham mưu và thực hiện chức năng quản lý riêng về mạng lưới đường bộ cao tốc.

Chính vì thế Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Cục Đường cao tốc Việt Nam. Đây sẽ là đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước toàn diện đối với toàn bộ quá trình từ đầu tư đến khai thác, vận hành hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia. Hy vọng, mạng lưới đường cao tốc sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.

Nam San

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm