Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp tôm

Thứ ba, 22/01/2013 - 22:53

(Thanh tra) - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, cuối tuần qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Tôm xuất khẩu Việt Nam lại gặp khó trước hàng rào kỹ thuật và thuế quan nước ngoài. Ảnh: Internet

>> Mỹ ban hành bản câu hỏi điều tra áp thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam

Giai đoạn điều tra là từ 1/1/2011 - 31/12/2011. Theo số liệu về nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ thì trong năm 2011, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt mức 493 triệu USD - đứng thứ 5 trong 7 quốc gia bị điều tra trong vụ việc này.

Những sản phẩm bị điều tra trong vụ việc này đều là những mặt hàng đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các nước Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Trong vụ việc này, DOC sẽ tiến hành điều tra 20 chương trình bị cáo buộc là có trợ cấp trái với các quy định WTO của Chính phủ Việt Nam dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm (hầu hết là các cáo buộc liên quan đến các chương trình hỗ trợ, ưu đãi thuế và cho vay dành cho ngành thủy sản…). Như vậy, so với đơn kiện của các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ, DOC đã loại bỏ 2 chương trình khi khởi xướng điều tra.

Dự kiến ngày 11/2/2013, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ đưa ra quyết định sơ bộ về thiệt hại của ngành sản xuất nội địa do sự ảnh hưởng của hàng hóa nhập khẩu. DOC sẽ thực hiện việc lựa chọn bị đơn dựa trên lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào thị trường Hoa Kỳ và gửi bản câu hỏi điều tra đến tất cả những bên liên quan bao gồm cả Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc.

Quyết định sơ bộ của DOC sẽ được đưa ra vào ngày 25/3/2013. Quyết định cuối cùng của DOC sẽ đưa ra vào ngày 6/6/2013. Sau quyết định cuối cùng của ITC vào ngày 22/7/2013, sẽ ban hành Lệnh áp thuế (nếu có).
 

Các nước xuất khẩu tôm phản ứng mạnh mẽ


Sau khi vụ điều tra chống trợ cấp tôm nhập khẩu từ 7 quốc gia được khởi xướng, các nước xuất khẩu tôm đã có phản ứng mạnh mẽ. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) Ravi Reddy cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các luật sư giỏi nhất để đấu tranh chống vụ kiện này”. Hiện Ấn Độ đang cử một phái đoàn gồm đại diện Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu thủy sản và SEAI sang Mỹ để tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan.

Sau Ấn Độ, Ecuador cũng đã chính thức lên tiếng phản đối vụ kiện. Trên Undercurrentnews.com, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Ecuador Antonio Camposano cho biết: “Hiệp hội đang tiến hành mọi biện pháp để bảo đảm có một sự bảo vệ thích hợp cho ngành tôm của Ecuador”.

Còn trên tờ Bangkok Post, Thái Lan cho rằng, tôm nuôi luôn luôn rẻ hơn so với tôm khai thác. Vì vậy ngư dân vùng Vịnh của Mỹ đang cố tình so “táo với cam”.

Về phía Việt Nam, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện VASEP đã thuê một công ty luật có kinh nghiệm chuyên về lĩnh vực này để thay mặt các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vụ kiện.

Đối với vụ kiện chống trợ giá này thì vai trò của Chính phủ, cơ quan chính quyền rất quan trọng trong việc quyết định sự thành bại. Vì việc trợ giá gắn liền với một loạt chính sách của Chính phủ, bộ, ban ngành áp dụng lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành tôm. Theo quy định của Hoa Kỳ, trong vụ việc điều tra chống trợ cấp, các khoản trợ cấp có thể bị đối kháng là các hỗ trợ tài chính từ Chính phủ nước ngoài mà các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi và giới hạn đối với các doanh nghiệp hoặc ngành cụ thể hoặc dựa trên thành tích xuất khẩu hoặc việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa so với hàng nhập khẩu.

Vào ngày 15/1/2013, đại diện Chính phủ Việt Nam đã tham vấn với Hoa Kỳ và bày tỏ quan điểm, lập luận của Việt Nam đối với vụ việc này.

Ngày 18/1/2013, đại diện Chính phủ Việt Nam cũng đã tham gia phiên tham vấn do ITC tổ chức với luật sư và đại diện của nguyên đơn, bị đơn liên quan đến vấn đề thiệt hại của ngành sản xuất Hoa Kỳ do ảnh hưởng của hàng nhập khẩu.
 

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm