Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững

Thứ sáu, 27/05/2022 - 22:09

(Thanh tra) - Để cùng nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể của nền kinh tế và quan trọng nhất là kiến tạo nhiều mảng màu tươi sáng hơn trong thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, ngày 27/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững”.

Các khách mời tham dự Toạ đàm: Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN); ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội LĐTB&XH).

Chia sẻ những nhận định, đánh giá và quan điểm, các khách mời tại tọa đàm đều khẳng định: Bức tranh kinh tế - xã hội qua nét vẽ chính sách, đâu đó vẫn còn những khó khăn, những câu chuyện cần giải quyết triệt để vì hệ luỵ của đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế bắt đầu khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực, những “trụ cột” của nước nhà lần nữa lại được “lửa thử vàng”.

Trên phương diện khác, nhìn nhận thẳng thắn rằng một số yếu tố như giá xăng dầu tăng cao, nguồn nhân lực còn thiếu hụt và việc giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều, các khách mời đã cùng thảo luận, bàn bạc về các giải pháp đột phá cho những vấn đề căn cơ của nền kinh tế.

Phản ứng kịp thời, đúng và trúng tạo nên “nét chấm phá” về nông nghiệp

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021, nét chấm phá rất đáng ghi nhận là xuất khẩu nông, lâm thủy sản đã cán mức kỉ lục (48,6 tỷ USD). Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng.

Theo Bộ trưởng NN&PTNN Lê Minh Hoan, tuy 5 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đầy rẫy những khó khăn như COVID-19, vấn đề thông cửa khẩu, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, xuất siêu 5,1 tỷ USD. Bước sang năm 2022, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

“Để đạt được kết quả đó, chúng tôi tự tin trong việc cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Những phản ứng kịp thời, đúng và trúng đã tạo nên nét chấm phá của kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn, Tư lệnh ngành NN&PTNT cho hay, nước ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường, khi đó, khơi thông dòng chảy nông sản. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tháo gỡ thị trường là quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Nước ta đã đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… và những nông sản của chúng ta bắt đầu tđến được các thị trường đó một cách tự tin.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm ăn manh nha, "buôn chuyến", ông Hoan nhấn mạnh cần lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường.

Một điểm sáng nữa là bảo đảm an ninh lương thực - vấn đề luôn được các quốc gia lấy làm trọng. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam là một trong những nước giữ vững được an ninh lương thực quốc gia và thậm chí còn xuất khẩu gạo vào nhóm hàng đầu thế giới.

Để phát huy kết quả tích cực trên một cách bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, yêu cầu cấp thiết là phải tích cực nâng cao vị thế,  không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm". Cùng với đó, nước ta phải cân đối xuất khẩu sản lượng, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hoà ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh.

Trong ngắn hạn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan định kỳ cùng nhau họp, nắm bắt thông tin, cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế trồng trọt.

An sinh xã hội: Hỗ trợ 81 nghìn tỷ đồng cho hơn 50 triệu lượt người và thực hư chuyện “lên tivi mà nhận”

An sinh xã hội là vấn đề được nói nhiều nhất cho đến lúc này kể từ khi đại dịch xảy ra. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Ví dụ, Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công. Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng tất cả những chính sách này, hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi về việc tuy chính sách hỗ trợ rất tốt đẹp nhưng có ý kiến nêu "lên tivi mà nhận”, ông Lê Văn Thanh chia sẻ, qua khảo sát thực tế, về cơ bản các đối tượng đều đã thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, trong 12 chính sách thì chính sách cuối cùng dành cho đối tượng lao động tự do được giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành.

Tuy nhiên, thực tế là một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… nên một số lao động không nhận được.

Bộ LĐTB&XH đã làm việc với địa phương, yêu cầu khẩn trương chi trả theo danh sách đã được phê duyệt. Nếu kinh phí thiếu, cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao tất cả đối tượng đều có thể nhận được hỗ trợ.

Liên quan đến an sinh xã hội, không thể không nhắc tới vấn đề nhà ở và việc giải ngân hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thành, do các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, đến thời điểm hiện nay, khoảng 40 tỷ đồng mới được giải ngân cho hơn 10.000 lao động. Con số này còn nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động, vì đây là thời gian đầu. Thêm vào đó, do nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần, nên làm còn chậm.

Bộ LĐTB&XH vừa đi đôn đốc một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc để làm sao trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách. Đặc biệt, người lao động phải chủ động hơn trong việc hoàn thành các thủ tục để nhận hỗ trợ.

Thu ngân sách: Bội thu chứ không làm thu

Một trong những nội dung quan trọng trong bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế là thu ngân sách. Hiện nay, một vấn đề mà theo dư luận là vừa phấn khởi vừa băn khoăn, đó là bội thu về ngân sách. Có ý kiến nêu doanh nghiệp vừa mới phục hồi, đang khó khăn mà thu ngân sách nhiều, liệu có lạm thu? Có làm khó doanh nghiệp không?

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chia sẻ, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách Nhà nước được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán, Trung ương và cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123 nghìn tỷ, trong đó miễn giảm là trên 100 nghìn tỷ.

Cho biết thu chúng ta là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện, ông Hưng phân tích thêm, nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8%, và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam. Nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, riêng với Việt Nam, 9 tháng nước ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng nước ta phải thu 74-75%. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách vẫn vượt dự toán. Thời điểm đó, Bộ Tài chính dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ nhưng thực tế vượt trên 22.000 tỷ.

Ngoài ra, về cơ cấu, thu của nước ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo. Kết quả thu cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nhưng niền tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Tài chính, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định vấn đề lạm thu rất khó xảy ra bởi phải có căn cứ pháp luật để thu, không phải muốn thu thế nào thì thu. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã áp dụng hoá đơn điện tử, số hoá nhiều hoạt động, rất minh bạch. Bởi vậy, nếu mình thu đúng, thu đủ thì số thu tăng. Có thể trước kia không minh bạch, giấu doanh thu, bây giờ đã số hoá, hoá đơn điện tử giúp Bộ quản lý nhanh hơn. Đây cũng là xu hướng lành mạnh, rất đáng nghi nhận.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt phục hồi kinh tế

Đầu tư công được xem là “vốn mồi” để dẫn dắt nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Tuy nhiên, giải ngân vống đầu tư công của 5 tháng đầu năm vào khoảng 22-23%, cao hơn một chút so với cùng kỳ của năm 2021 nhưng so với kế hoạch năm là thấp.

Các khách mời thống nhất cho rằng nguyên nhân do công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án còn yếu; vấn đề giải phóng mặt bằng; giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chủ đầu tư thậm chí bỏ cọc để không bị lỗ thêm; khâu tổ chức thực hiện yếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra hai cách nhìn để tổng hòa lại câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ nhất là mặc dù đã có chủ trương đầu tư trung hạn, nhưng danh mục quy hoạch đầu tư cho trung hạn vẫn chưa thực sự được hoàn chỉnh.

Thứ hai, dẫn câu danh ngôn "nếu cho tôi 6 giờ đốn củi, tôi phải dùng 4 giờ để mài rựa", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò cốt lõi của chuẩn bị dự án đầu tư và cho rằng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của khâu quan trọng này.

Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, một chương trình đồ sợ với nhiều các dự án, tiểu dự án của rất đồ sộ, với vốn đầu tư công từ nay đến năm 2025 là 50.000 tỷ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh cho rằng việc giải ngân còn chậm.

Bàn về giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy hơn nữa vấn đề này, theo ông Hầu A Lềnh, ưu tiên tập trung cho việc hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã về hoàn thiện thủ tục đầu tư; huy động sức dân cùng tham gia, theo cơ chế giống như xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực ngoài ngân sách của Trung ương, tức ngoài ngân sách Nhà nước,…

Dự báo về kinh tế thời gian tới, các khách mời thống nhất nền kinh tế đang đi đúng hướng, chỉ tiêu mục tiêu Quốc hội đề ra có nhiều khả năng hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhìn từ khía cạnh lạc quan, những tín hiệu mặc dù là nhỏ, nhưng có sức lan toả. Đối với những vấn đề còn trăn trở, cần nhìn tích cực, nỗ lực và kiên trì với đường lối và giải pháp đã đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm