Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài học DVD

Thứ hai, 10/10/2011 - 17:24

(Thanh tra) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã có văn bản chính thức thông báo Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) ngưng hoạt động vào ngày 30/9/2011.

Công ty CP Dược Viễn Đông đã biến mất khỏi trụ sở 411 Huỳnh Văn Bánh, Phường 11, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Dược Viễn Đông có vốn điều lệ 119,1 tỷ đồng, bắt đầu giao dịch tại HoSE ngày 22/12/2009 và giao dịch phiên cuối cùng trước khi bị hủy niêm yết ngày 01/9/2011.

Trong phiên giao dịch cuối cùng, giá cổ phiếu DVD chỉ còn 3.500 đồng trong khi cổ phiếu này từng có giao dịch cao nhất là 150.000 đồng. Có thể nói thông tin cổ phiếu DVD của Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông bị hủy niêm yết và đang tiến hành các thủ tục phá sản là thông tin gây sốc nhất trên thị trường chứng khoán những ngày vừa qua.

Không sốc sao được khi cổ phiếu này dù được Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho mở thủ tục phá sản vào ngày 05/8, nhưng vẫn được mua bán bình thường trên HoSE, tức là các nhà đầu tư (NĐT) không hay biết chút nào về khả năng những cổ phiếu mình đang giao dịch sẽ trở thành những mảnh giấy vụn bất kỳ lúc nào.

Dược Viễn Đông chấm dứt hoạt động
HoSE đã nhận được Thông báo chấm dứt hoạt động của CTCP Dược phẩm Viễn Đông do đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là bà Nguyễn Thị Thanh Huế ký gửi ngày 30/9/2011. Dược Viễn Đông có vốn điều lệ 119,1 tỷ đồng, bắt đầu giao dịch tại HoSE ngày 22/12/2009 và giao dịch phiên cuối cùng trước khi bị hủy niêm yết ngày 01/9/2011.

Ngân hàng ANZ Việt Nam đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với  Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông, số 411 Huỳnh Văn Bánh, Phường 11, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh (Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động công ty số 0303366109 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp thay đổi lần thứ 15 ngày 16/9/2010. Mã số thuế: 0303366109). 

Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý đơn vào ngày 10/05/2011 và ban hành Quyết định số 426/2011/QĐ-MTTPS ngày 05/08/2011 cho phép mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông.

Phải mãi đến ngày 25/8 mọi chuyện mới vỡ lở. HoSE thông qua Ngân hàng ANZ mới biết và công bố thông tin này đến NĐT. Do nắm thông tin quá muộn, nên NĐT dường như chẳng xoay trở được gì, bởi khi HoSE công bố sẽ hủy niêm yết mã DVD hôm 30/8, NĐT đã không thể thoát hàng vì chỉ còn đúng hai phiên giao dịch (ngày 31/8 và 01/9). Nếu DVD phá sản, rủi ro mất trắng của NĐT là rất lớn. Bởi trong bảng danh sách ưu tiên thu hồi tài sản, thì cổ đông là đối tượng có hàng ưu tiên quyền lợi  đứng cuối bảng. Như vậy, thiệt thòi và rủi ro nhất vẫn là NĐT.

Theo giới chuyên gia, để tránh lập lại “vết xe đổ DVD”, NĐT cần tỉnh táo tránh những mã có lịch sử công bố báo cáo tài chính thường xuyên chậm so với quy định (như DVD), những mã thường xuyên thua lỗ, bị các công ty kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động, những mã nằm trong diện bị kiểm soát, trong diện cảnh báo…

Trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) rơi vào “vùng cấm” này và NĐT rất dễ nhận biết. Đơn cử như những mã TNG của Công ty CP Đầu tư  - Thương mại, VKP của Công ty CP Nhựa Tân Hoá, VTA của Công ty CP Vitaly, FBT của Công ty CP XNK lâm thuỷ sản Bến Tre, VPH của Công ty CP Vạn Phát Hưng… là những cổ phiếu thuộc những DN đang và từng bị kiểm toán đánh giá có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động.

Trong số này, đáng chú ý là mã VKP với 9 quý liên tục bị lỗ, đã từng bị HoSE không cho giao dịch và mới chỉ được giao dịch trở lại vào ngày 13/5 nhưng vẫn nằm trong diện bị kiểm soát. Tương tự là mã CAD của Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Cadovimex, VSP của Công ty CP Vận tải và Bất động sản Việt Hải…

Mới đây, Sở GDCK Hà Nội cũng đưa cổ phiếu V11 của Công ty CP Xây dựng số 11 vào diện bị cảnh báo, do kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động sau khi soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2011 của công ty này.

Theo ông Nguyễn Phan Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Kiểm toán Gia Cát, khi DN bị kiểm toán “chiếu tướng”, đa phần đều có vấn đề. Một khi kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của DN, câu chuyện trở nên trầm trọng hơn, và căn cứ vào nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, kiểm toán sẽ cảnh báo về khả năng dừng hoạt động của công ty.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục tại DN có thể là một trong những dấu hiệu cho tình trạng phá sản DN đang đến gần.

Công ty CP Dược phẩm (CPDP) Viễn Đông được thành lập năm 1996, hoạt động theo mô hình tập đoàn với 4 công ty thành viên, trong đó Công ty CPDP Viễn Đông là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của hai công ty TNHH 1 thành viên dược phẩm Viễn Đông ở Hà Nội và Đà Nẵng, sở hữu 97% vốn của Công ty CP liên doanh Lili of France. Các lĩnh vực hoạt động của công ty chủ yếu trong lĩnh vực y tế, gồm tiếp thị và phát triển các nhãn hiệu dược phẩm và thực phẩm chức năng; phân phối dược phẩm và thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; xuất nhập khẩu dược phẩm và thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực y tế.

Ngày 26/11/2010, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CPDP Viễn Đông (mã DVD) bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì đã có hành vi liên quan đến thao túng giá chứng khoán theo qui định tại Điều 181c Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH100.

Ngày 26/11/2010, UBCKNN đã có Công văn yêu cầu Công ty CPDP Viễn Đông thực hiện việc công bố thông tin bất thường trong thời hạn hai mươi bốn giờ. Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc đưa cổ phiếu của Công ty CPDP Viễn Đông (DVD) vào diện cảnh báo kể từ ngày 30/11/2010 để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 19/11/2010, UBCKNN đã có thông báo đình chỉ việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của Công ty CPDP Viễn Đông sau khi xác định công ty này đã đưa vào Bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng một số thông tin sai lệch và bỏ sót các thông tin quan trọng. Sự việc này gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, vi phạm Điều 14 và Điều 18 của Luật Chứng khoán.

Ngày 22/11/2010, UBCKNN cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CPDP Viễn Đông vì về những vi phạm trong việc giao dịch cổ phiếu của Công ty CPDP Hà Tây (mã DHT-HNX).


Hồ Doãn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm