Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bà Rịa - Vũng Tàu: Huyện Châu Đức với những thành tựu nổi bật qua 30 năm xây dựng và phát triển

Chu Tuấn

Chủ nhật, 11/08/2024 - 08:48

(Thanh tra) - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và Nhân dân Châu Đức đã đồng lòng, chung sức, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, hành động quyết liệt, huyện Châu Đức đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực.

Tác phẩm ảnh: Toàn cảnh Châu Đức lúc hoàng hôn của tác giả Bùi Việt Hưng.

30 năm xây dựng và phát triển

Huyện Châu Đức có tổng diện tích 42.462,85ha và tổng số dân 165.806 người, mật độ dân số khoảng 256 người/km2 với 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm có thị trấn Ngãi Giao với vai trò là đô thị trung tâm hành chính huyện Châu Đức, còn lại 15 xã gồm: Kim Long, Bàu Chinh, Bình Ba, Bình Giã, Bình Trung, Cù Bị, Đá Bạc, Láng Lớn, Nghĩa Thành, Sơn Bình, Suối Nghệ, Suối Rao, Xà Bang, Xuân Sơn, Quảng Thành.

Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản cho biết, trước năm 1994, huyện Châu Đức còn là một huyện thuần nông. Từ những năm 2000 đến nay, với kết quả thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, huyện Châu Đức đã kịp thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện và khả năng của địa phương, từ cơ cấu “nông nghiệp - công nghiệp - thương mại và dịch vụ” nhanh chóng chuyển sang cơ cấu “công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp”.

Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, Nguyễn Tấn Bản phát biểu tại buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào ngày 09/8/2024. Ảnh: A.X

Với những kết quả đã đạt được trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của địa phương, đã tạo cho vị thế của huyện có vai trò động lực trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Huyện Châu Đức từ một huyện nghèo đã trở thành một huyện đi đầu trong phong trào giảm nghèo bền vững của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, Châu Đức là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chỉ tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh (vào cuối năm 2023). Sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế xã hội đã tạo động lực cho sự phát triển của huyện Châu Đức.

Tác phẩm ảnh: Toàn cảnh Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Châu Đức của tác giả Nguyễn Minh Tân

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lãnh đạo, Đảng bộ - chính quyền và Nhân dân huyện Châu Đức đã luôn phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu khắc phục vượt qua những khó khăn, thách thức trong tình hình mới và đã đạt được những thành tích nổi bật về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đồng thời luôn bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh theo kế hoạch hàng năm của địa phương. Trong những năm qua huyện luôn giữ vững và phát huy thành tích tốt trong phong trào chung của tỉnh...

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, huyện Châu Đức đã được có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ. Năm 1994, Châu Đức có quy mô, cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư chiếm 77%; công nghiệp xây dựng chiếm 6,2%; thương mại-dịch vụ chiếm 16,8%; thu nhập bình quân đầu người là 5.152.000 đồng/người/năm. Đến năm 2023, cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư chiếm 46%, công nghiệp xây dựng chiếm 22%; thương mại-dịch vụ chiếm 32%; thu nhập bình quân đầu người là 85.000.000 đồng/người/năm.

Tác phẩm ảnh: Trung tâm thị trấn Kim Long của tác giả Lê Đình Nhơn

Một số thành tựu nổi bật

Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản cũng cho biết, từ năm 1994 đến nay, huyện đã đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Điển hình, cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng chăn nuôi tăng lên, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, đến nay trồng trọt chiếm 61,2%, chăn nuôi 38,8% (năm 1994 tỷ trọng này là 88% và 12%). Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn huyện bình quân trong 30 năm qua là 3,9%/năm; trong đó: trồng trọt tăng 2,7%/năm, chăn nuôi có mức tăng trưởng cao, đạt 8%/năm. Với diện tích đất nông nghiệp trên 34.000 ha, bình quân giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích hiện nay khoảng 150 triệu đồng/ha (tính theo giá hiện hành)...

Đến nay trên địa bàn huyện 43 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm 24 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao, trong đó có sản phẩm từ các loại nông sản chủ lực của huyện như hồ tiêu, cà phê, ca cao, hạt điều, sản phẩm chế biến từ thịt heo, thịt gà và các nông sản khác...

Tác phẩm ảnh: Toàn cảnh Khu công nghiệp Châu Đức của tác giả Nguyễn Minh Tân

Trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 980 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, với tổng số lao động khoảng 4.600 lao động tham gia. Sản phẩm chủ yếu là sản xuất đá xây dựng, sản xuất hàng trang trí mỹ nghệ bằng thủy tinh, chế biến thực phẩm, hạt điều, chế biến gỗ, dệt lưới, may mặc, đan sợi, dệt vải, sản xuất nước đá, nước uống đóng chai, gia công cơ khí, sản xuất nông cụ cầm tay, sấy xay xát nông sản, kỹ nghệ sắt... Các sản phẩm sản xuất nhằm phục vụ cho nhu cầu tại địa phương và các tỉnh lân cận có nhu cầu. Ước thực hiện giá trị sản xuất trong năm 2024 thực hiện là 6.193 tỷ đồng…

Đến nay, ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn hiện có 7.500 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động thuộc các ngành nghề như: Thương nghiệp bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ, vận tải hành khách và hàng hoá, kinh doanh xăng dầu, gas… Tổng số lao động tham gia hoạt động kinh doanh khoảng 12.000 người, tổng doanh thu dự kiến đến thời điểm cuối năm 2024 là 9.870 tỷ đồng…

Qua 30 năm, huyện Châu Đức thu hút đầu tư và phát huy tốt các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu - hạ tầng; tổng số vốn đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 1994 - 2024 khoảng 14.522 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước với khoảng 10.767 tỷ đồng chiếm 76%, còn lại vốn đầu tư huy động ngoài ngân sách cụ thể huy động từ các nguồn lực xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn từ năm 2010 - 2024 với khoảng 3.485 tỷ đồng chiếm 24%...

Đến nay, huyện đã có 2 khu công nghiệp, với tổng diện tích theo quy hoạch được duyệt là 2.384,26ha; bao gồm: Khu công nghiệp - đô thị Châu Đức có diện tích 2.077,24ha; Khu công nghiệp Đá Bạc có diện tích 307,02ha. Ngoài ra, huyện còn có 1 cụm công nghiệp Ngãi Giao đang hoạt động ổn định và có chiều hướng phát triển…

Tác phẩm ảnh: Ngãi Giao về đêm của tác giả Trần Văn Quân

Trong công tác bảo vệ môi trường, huyện Châu Đức đã tập trung quan tâm, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc bảo vệ nguồn nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt; kiên quyết không đề xuất thu hút, lựa chọn các dự án có mức độ phát thải lớn, công nghệ lạc hậu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trang trại chăn nuôi nằm ở thượng nguồn hồ chứa nước Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Kim Long, hồ Đá Bàng, hồ Núi Nhang. Từng bước di dời hoặc yêu cầu chấm dứt hoạt động các trang trại, các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường theo quy định...

Huyện cũng đã tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân ngày càng được thực hiện tốt hơn...

Qua từng giai đoạn, cấp ủy, chính quyền các cấp bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế đã luôn quan tâm chăm lo cho lĩnh vực văn hóa - thể thao. Đến nay, thiết chế văn hóa cấp huyện và xã, thị trấn đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh: Trung tâm VHTT-TT huyện Châu Đức được đầu tư xây dựng khang trang, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, học tập và rèn luyện của người dân. 15/15 xã có đã có trụ sở Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng; ngoài ra, nhiều công trình thể thao của các tổ chức và cá nhân được đầu tư như: sân tennis, sân bóng đá mini,...góp phần gia tăng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao trong huyện...

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện cũng luôn chú trọng tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách thương binh - liệt sĩ và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn - Đáp nghĩa” gắn kết với phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình liệt sĩ - thương binh”... Đặc biệt, trong 30 năm qua huyện đã tập trung tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng quỹ “Đền ơn - Đáp nghĩa”, đến nay cơ bản trong đã đảm bảo giải quyết tốt nhu cầu về nhà ở đối với các gia đình chính sách có hoàn cảnh thực sự khó khăn về nhà ở, tổ chức xây dựng và sửa chữa 1.449 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 20 tỷ đồng...

Với những thành tích đáng tự hào trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Châu Đức đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý… Ngày 9/8/2024, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, huyện Châu Đức đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm