Tình hình khiếu kiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình khiếu kiện của công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các đoàn khiếu kiện tập trung đông người có xu hướng về lại TW, Hà Nội để tiếp khiếu, đặc biệt trong thời gian diễn ra các kỳ họp Ban Chấp hành TW Đảng và các kỳ họp Quốc hội khóa XV và các sự kiện chính trị của đất nước.

Một số công dân thuộc đoàn khiếu kiện đông người của các địa phương kết hợp cùng nhóm công dân khiếu kiện đơn lẻ, lưu trú dài ngày tại Thủ đô tập trung tại khu vực trung tâm hành chính Ba Đình, khu vực một số cơ quan TW Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… để căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất an ninh, trật tự; có trường hợp công dân khiếu kiện la hét, chửi bới… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của Thủ đô nói chung và hoạt động của Trụ sở nói riêng .

“Các vụ việc đông người, phức tạp, phần lớn là các vụ việc KN thuộc lĩnh vực đất đai, phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vụ việc đã được cơ quan Nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, các địa phương đã tiến hành rà soát, đối thoại, thông báo chấm dứt thụ lý nhưng công dân vẫn tiếp tục KN. Khiếu kiện mới phát sinh nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng nhà, quỹ bảo trì chung cư, giao khoán đất đai nông, lâm trường…”, ông Nguyễn Duy Bính, Phó Trưởng ban Tiếp công dân TW cho biết.

Ông Bính cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trụ sở TCDTW đã tiếp 2.735 lượt với 6.617 công dân đến trình bày 2.731 vụ việc (KN 1.331 việc; TC 305 việc và kiến nghị, phản ánh (KNPA) 1.095 việc).

Có 205 đoàn đông người với tổng số 3.549 công dân đến trình bày 205 vụ việc, hầu hết là các vụ việc đã qua nhiều cấp xem xét, giải quyết, công dân vẫn không đồng ý và tiếp khiếu.

“So với cùng kỳ năm 2023, số lượt tiếp giảm 7,1% (2.735/2.944); số lượt người giảm 18,8% (6.617/8.148); số vụ việc giảm 3,1% (2.731/2.818); số lượt đoàn đông người giảm 18,6% (205/252). Qua công tác tiếp công dân Trụ sở đã phát hành 1.411 văn bản hướng dẫn và 125 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định”, ông Bính cho hay.

Riêng Ban TCDTW, Thanh tra Chính phủ tiếp 1.836 lượt với 5.299 công dân đến trình bày 1.829 vụ việc (KN 895 việc, TC 256 việc, KNPA 678 việc); tiếp 188 đoàn đông người với 3.263 công dân đến trình bày 167 vụ việc.

Qua công tác tiếp công dân, Ban đã phát hành 1.341 văn bản hướng dẫn và 98 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định; 6 vụ việc báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

Trưởng ban TCDTW đã trực tiếp tiếp các vụ việc khiếu kiện phức tạp tại Trụ sở Hà Nội và tăng cường tiếp các đoàn công dân khiếu kiện đông người ở các tỉnh, thành phố phía Nam tại Trụ sở TCDTW ở thành phố Hồ Chí Minh, hạn chế công dân tập trung ra Hà Nội khiếu kiện.

Nhất là, trong 9 tháng năm 2024, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã thực hiện 6 lượt tiếp công dân định kỳ với 10 vụ việc khiếu kiện của công dân.

Quý III/2024, Thanh tra Chính phủ tiếp 62 đoàn đông

Trong quý III/2024, Trụ sở TCDTW đã tiếp 970 lượt với 1.997 công dân đến trình bày 974 vụ việc (KN 480 việc; TC 107 việc và kiến nghị, phản ánh 387 việc). Có 69 đoàn đông người với tổng số 880 công dân đến trình bày 69 vụ việc, đa số là các vụ việc đã qua nhiều cấp xem xét, giải quyết, công dân vẫn không đồng ý và tiếp khiếu.

Riêng Ban TCDTW, Thanh tra Chính phủ tiếp 654 lượt với 1.595 công dân đến trình bày 613 vụ việc (KN 301 việc, TC 95 việc, kiến nghị và phản ánh 217 việc); tiếp 62 lượt đoàn đông người với 834 công dân đến trình bày 58 vụ việc.

Ban cũng đã tiếp nhận 3.409 đơn, trong đó đã phân loại, xử lý là 3.445 đơn và đang xử lý 67 đơn. Trong tổng số 3.445 đơn có 1.275 đơn được hướng dẫn, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc đề xuất chuyển đến các cục, vụ để kiểm tra, rà soát, chiếm khoảng 37% (KN 1.194 đơn; TC 15 đơn; kiến nghị, phản ánh 66 đơn) và 2.170 đơn trước đó đã được hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, công dân vẫn tiếp tục gửi đơn nhưng không có nội dung, chứng cứ mới, Ban thống kê theo dõi, chiếm khoảng 63% (trong đó có 59 đơn nặc danh chiếm khoảng 2,7%).

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban TCDTW đã tiếp nhận 9.704 đơn, trong đó đã phân loại, xử lý là 9.669  đơn và đang xử lý 67 đơn.

Ưu tiên rà soát 82 vụ việc

Về tiếp công dân theo mô hình trực tuyến, đến nay Ban TCDTW đã kết nối tiếp công dân trực tuyến tại Trụ sở TCDTW với điểm cầu tiếp công dân của các địa phương như: UBNDTP Móng Cái, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An…

Theo đánh giá của cơ quan tiếp công dân, với việc tiếp công dân trực tuyến này, có thể kết nối đến mọi nơi, người dân không cần đến Trụ sở TCDTW để gặp cán bộ tiếp dân, mà ở tại địa phương vẫn có thể được tiếp, hướng dẫn kịp thời, chu đáo, vừa hạn chế sức người, sức của, vừa hạn chế tối đa công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp lên cơ quan Trung ương

“Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban đã chủ động, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư được quan tâm thực hiện, triển khai thí điểm mô hình tiếp công dân trực tuyến để từng bước đưa vào áp dụng diện rộng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm kinh phí, thời gian của người dân và công tác tiếp dân, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đối với các cấp, ngành, địa phương”, Phó Trưởng ban TCDTW chia sẻ.

Trong 3 tháng cuối năm, là thời điểm chuẩn bị diễn ra Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV và kỳ nghỉ lễ, tết của đất nước, dự báo sẽ tiếp tục có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp tập trung tại Hà Nội.

Do đó, trong thời gian tới, Ban tiếp tục tổ chức tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Trụ sở TCDTW. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở đảm bảo công dân đến Trụ sở đều được tiếp, hướng dẫn, xử lý kịp thời đúng quy định đơn, thư của công dân.

Phối hợp với các cục địa bàn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa phương trong việc thực hiện thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị trong Báo cáo số 334/BC-ĐGS ngày 7/10/2022 của Đoàn giám sát UBTVQH; rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, ưu tiên tập trung đối với 24 vụ việc Đoàn giám sát đã có kiến nghị tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 và 58 vụ việc theo Kế hoạch 1910/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Tăng cường nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của Ban thông qua các hình thức đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; áp dụng văn bản số, chữ ký số; phối hợp với Trung tâm Thông tin trong việc khắc phục, nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC; tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình thí điểm tiếp công dân trực tuyến .

Phối hợp chặt chẽ giữa Trụ sở TCDTW với địa phương để nắm tình hình khiếu kiện của công dân, tuyên truyền vận động công dân trở về địa phương góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại Thủ đô; phối hợp giữa Trụ sở TCDTW với bộ phận chức năng của Bộ Công an và Công an các địa phương để sẵn sàng phát hiện, ngăn ngừa trường hợp lợi dụng quyền khiếu kiện để kích động, lôi kéo gây mất an ninh, trật tự công cộng, an ninh, an toàn xã hội.

 

Thái Hải