TS Thái Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Nghệ An cho biết: Liên quan đến nội dung đơn thư của công dân ở 5 địa phương trong tỉnh khiếu nại giải quyết hỗ trợ trong GPMB dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đến nay đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm giải quyết. Quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh đã báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách.

Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra để kết luận và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 làm cơ sở xác định diện tích đất đủ điều kiện bồi thường của các hộ dân theo quy định pháp luật. Nhiều trường hợp đã được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định, một số trường hợp tiếp tục khởi kiện ra TAND. Thông qua các kỳ họp giao ban Khối Nội chính định kỳ hàng tháng, Thường trực Tỉnh ủy đưa vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc giải quyết.

“Trong quá trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo thì bài học thượng tôn pháp luật, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan thực thi pháp luật là rất quan trọng. Điển hình cho bài học này là qua vụ việc 2.923 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp mở rộng QL1A tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai và TP Vinh”, ông Thái Minh Tuấn trao đổi.

Từ năm 2014 đến 2016 khi Nhà nước thực hiện dự án nâng cấp mở rộng QL1A, các hộ dân của 5 địa phương này liên tục có đơn khiếu kiện yêu cầu bồi thường đối với phần diện tích đất trong phạm vi hành lang giao thông, khi thực hiện dự án PMU1 trước đây (năm 1994 - 1995) mới giải toả công trình, cây cối hoa màu, nhưng chưa bồi thường về đất.

Thực hiện dự án nâng cấp mở rộng QL1A (2012 - 2014), Nhà nước làm đường trên diện tích đất đã giải toả công trình trên, nhưng không thu hồi đất, không bồi thường. Nguyên nhân của sự việc này là khi thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, căn cứ “quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” ban hành kèm theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/2/2010 của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó có nội dung quy định không giải quyết bồi thường cho các trường hợp đất đang sử dụng nhưng đã giải toả công trình trên đất qua các thời kỳ.

Mặt khác, chỉ đạo việc thực hiện dự án, ngày 3/4/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 147/UBND-GT “đối với phần diện tích đất mà trước đây đã được giải toả qua các thời kỳ, bao gồm dự án PMU trước đây, nay không thực hiện bồi thường hỗ trợ về đất”.

“Chính chỉ đạo này mà tất cả các địa phương đều không thực hiện kiểm đếm, thu hồi đất, không thực hiện lập phương án bồi thường. Thậm chí có địa phương không đo đạc đối với phần diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ”, ông Thái Minh Tuấn cho hay.

Ban Tiếp công dân tỉnh Nghệ An cũng thông tin, có rất nhiều đơn thư khiếu nại gửi đến UBND tỉnh năm từ 2014 đến 2016 nhưng đều được trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết theo hướng áp dụng quy định của tỉnh là không bồi thường, bởi việc tham mưu giải quyết, trả lời không được giao cho Ban Tiếp công dân mà giao cho các sở, ngành và chuyên viên các phòng phụ trách bồi thường GPMB trước đây thực hiện.

Không được giải quyết bằng đường hành chính, có gần 100 hộ dân có đơn khởi kiện vụ án tại TAND tỉnh và TAND một số huyện, trong đó có Quỳnh Lưu, Diễn Châu.

leftcenterrightdel
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo 5 địa phương về việc giải ngân kinh phí Trung ương cấp bổ sung. Ảnh: P.Q

Do Ban Tiếp công dân tỉnh là đơn vị được giao tham mưu tố tụng, thường xuyên phối hợp với TAND và Viện KSND tỉnh. Trước tình hình khiếu kiện phức tạp này, Ban đã đề nghị Chánh án TAND tỉnh có văn bản trao đổi với UBND tỉnh và đề nghị tổ chức buổi làm việc.

Sau khi có đề nghị của TAND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc. Xác định có sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật và quy định của địa phương, với sự tham mưu của Ban Tiếp công dân tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập 2 tổ công tác liên ngành kiểm tra và đi học hỏi các địa phương ở Thanh Hoá và Hà Tĩnh.

Kết quả các đoàn báo cáo Thanh Hoá, Hà Tĩnh và một số địa phương khác đều thực hiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng tương tự khi thực hiện dự án nâng cấp mở rộng QL1A năm 2012 - 2014, chỉ duy nhất Nghệ An không thực hiện bồi thường (năm 2012 - 2014, Thanh Hoá có đi Nghệ An học tập nhưng sau đó về không áp dụng theo).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Ban Tiếp công dân tỉnh là cơ quan thường trực theo dõi vụ việc; chỉ đạo các địa phương rà soát, giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương và được Bộ TN&MT có văn bản chỉ đạo thực hiện bồi thường. 

leftcenterrightdel
TS Thái Minh Tuấn (bên trái) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trong một phiên tiếp công dân định kỳ. Ảnh: K.O 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản giao các địa phương lập các đoàn kiểm tra, kết luận từng trường hợp cụ thể, xác định diện tích đất đủ điều kiện được bồi thường theo quy định; tổng hợp báo cáo để trình Trung ương bổ sung kinh phí, vì khó khăn lớn nhất là dự án đã quyết toán, do vậy phải trình Trung ương cấp từ ngân sách.

Năm 2020, Trung ương đã cấp cho Nghệ An 220 tỷ đồng, chi trả cho các trường hợp có kết luận giải quyết đơn thư (chủ yếu đất sử dụng trước 1980). Các trường hợp còn lại cần kinh phí khoảng 1.250 tỷ đồng, UBND tỉnh đang tiếp tục trình Trung ương cấp để chi trả.

Liên quan đến nội dung đơn thư của công dân, đến nay đã được những kết quả bước đầu rất quan trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường qua thanh tra, giải quyết khiếu nại từ năm 2020 về trước; các trường hợp còn lại qua giải quyết đơn thư từ năm 2021 đến nay đã được kết luận đủ điều kiện bồi thường theo quy định pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 110/2023/QH15 bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù GPMB,  chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường.

Ngày 27/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1702/QĐ-TTg giao bổ sung 1.275 tỷ đồng để giải quyết đền bù GPMB của các dự án mở rộng QL1A tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán.

Mới đây, để tiếp tục chỉ đạo, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chi trả kinh phí bồi thường GPMB QL1A do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban, có nhiệm vụ chỉ đạo giao dự toán nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương sử dụng kịp thời theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi các địa phương thực hiện giải ngân số vốn được giao theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với các phương án chi trả, bảo đảm không phát sinh khiếu kiện.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT báo cáo việc giải quyết đền bù GPMB các dự án mở rộng QL1A theo nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Châu Yên

Ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin: Hiện, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh công tác phê duyệt, chi trả để đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn và giải quyết tình trạng đơn thư của người dân. Gần đây nhất, tại Văn bản số 4387/UBND-TD ngày 27/5/2024, UBND tỉnh Nghệ An báo cáo cho biết, các huyện, thị sẽ hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân còn lại đủ điều kiện bồi thường và thực hiện chi trả bồi thường theo đúng quy định.

“Đến nay, Chính phủ và Quốc hội thông qua, như chúng ta đã biết, đồng nghĩa về cơ bản vụ việc khiếu kiện này đã được giải quyết. Bài học ở đây là sự thông hiểu các quy định pháp luật, dám nhìn nhận sự thật, đó là một số quy định của Nghệ An không đúng luật, việc chỉ đạo thực hiện dự án của lãnh đạo tỉnh tại thời điểm không đúng pháp luật; cùng sự phối hợp tốt giữa Ban Tiếp công dân và lãnh đạo của TAND tỉnh”, đại diện Ban Tiếp công dân tỉnh chia sẻ. 

Xuân Thống